|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì đâu chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Dow Jones mất 460 điểm phiên cuối tuần?

07:05 | 23/03/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 22/3 lao dốc giữa lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và việc Cục dự trữ Liên bang (Fed) hạ dự báo báo triển vọng kinh tế Mỹ.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 460,19 điểm và đóng cửa ở 25.502,32 điểm, đây cũng là mức thấp nhất của chỉ số này trong phiên. Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà lao dốc do lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn dài giảm mạnh.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,9% xuống 2.800,71 điểm, đây là phiên mất điểm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 3/1 năm nay.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,5% xuống còn 7.642,67 điểm, trong đó các đại gia công nghệ gồm Facebook, Amazon, Netflix, Alphabet và Apple đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Vì đâu chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Dow Jones mất 460 điểm phiên cuối tuần? - Ảnh 1.

Biến động các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 22/3. Nguồn: Bloomberg.

Ông Peter Cardillo, kinh tế trưởng của Spartan Capital Securities cho rằng nhà đầu tư hiện nay có rất nhiều mối lo sợ, trong đó đặc biệt mối lo về một cuộc suy thoái sắp tới đang lớn dần lên. Và vì vậy, thị trường đang xem xét lại một số yếu tố lạc quan đã được phản ánh vào giá trước đó.

Nhân tố khiến cho cổ phiếu ngân hàng đỏ lửa là một hiện tượng có tên đường cong lợi suất đảo ngược. Cụ thể, chênh lệch lợi suất tín phiếu kì hạn 3 tháng và trái phiếu kì hạn 10 năm của Mỹ lần đầu giảm xuống dưới 0% kể từ năm 2007, tức là đường cong lợi suất đã đảo ngược.

Vì đâu chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Dow Jones mất 460 điểm phiên cuối tuần? - Ảnh 2.

Sự dịch chuyển của đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Nguồn: CNBC.

Hiện tượng đường cong lại suất đảo ngược xảy ra khi các lãi suất kì hạn ngắn cao hơn các lãi suất kì hạn dài, đe dọa đến lợi nhuận của ngân hàng vì các ngân hàng thường nhận tiền gửi kì hạn ngắn để cho vay lại với kì hạn dài.

Cổ phiếu các ngân hàng lớn cùng giảm sâu như Citigroup mất 4%, Goldman Sachs, Morgan Stanley, J.P. Morgan Chase và Bank of America cùng sụt ít nhất 2,9%.

Đường cong lợi suất đảo ngược cho thấy tăng trưởng kinh tế hiện tại sẽ cao hơn trong tương lai và do vậy còn được coi là một chỉ báo khủng hoảng đang đến gần. Nghiên cứu đáng tin cậy của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York cho thấy chênh lệch giữa lợi suất kì hạn 3 tháng và 10 năm là loại chênh lệch có ý nghĩa dự báo lớn nhất.

Hôm thứ Tư, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến nhà đầu tư bất ngờ khi đưa ra một quan điểm rất "bồ câu", dự báo sẽ không tăng lãi suất trong năm nay và chấm dứt giảm qui mô bảng cân đối kế toán trước tháng 9. Tuy các nhà đầu tư ban đầu phấn khởi vì lãi suất không tăng và chi phí vay mượn không cao lên nhưng lí do mà Fed kiềm chế chính sách của mình lại khiến nhiều người lo ngại kinh tế đang giảm tốc.

Cụ thể, cùng với quyết định không tăng lãi suất, Fed cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019.

Ông Jeffrey Gundlach, CEO của Doubleline Capital cho rằng nhà đầu tư nên suy nghĩ đến cả nền kinh tế toàn cầu chứ không nên cái gì cũng hướng về Fed, ngay cả Fed cũng phải xem xét tới bối cảnh toàn cầu khi ra quyết định.

Ngày 22/3 nhiều dữ liệu kinh tế kém khả quan được công bố trên khắp thế giới, khiến lo ngại càng gia tăng.

Cụ thể, ở Đức, số liệu PMI do IHS Market công bố cho thấy khu vực sản xuất của Đức trong tháng 3 tiếp tục đi xuống, đánh dấu tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp với tăng trưởng sản lượng ở gần mức thấp nhất 6 năm. Ở Pháp, hoạt động sản xuất giảm tốc xuống mức thấp nhất 3 tháng, còn hoạt động dịch vụ xuống mức thấp nhất 2 tháng.

Đối với toàn bộ khối euro zone, hoạt động sản xuất rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013. Những thông tin này đã phần nào khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kì hạn 10 năm có lúc rơi xuống dưới 0% lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Bà Liz Ann Sonders, chiến lược gia trưởng tại Charles Schwab nhận định: Những chỉ báo này cho thấy đây có thể không phải là vấn đề của năm 2021 mà nhiều khả năng một đợt suy thoái có thể bắt đầu ngay năm nay.

Cổ phiếu Nike giảm 6,6% sau khi công bố tăng trưởng doanh số thấp trong quí IV/2018 tại Bắc Mỹ. Cổ phiếu Boeing giảm 2,8% sau khi hãng hàng không Garuda của Indonesia hủy một đơn hàng mua 49 máy bay Boeing 737 trị giá 6 tỉ USD.

Cảnh báo suy thoái quan trọng của Mỹ xuất hiện lần đầu sau 12 năm vắng bóngCảnh báo suy thoái quan trọng của Mỹ xuất hiện lần đầu sau 12 năm vắng bóng Nguy cơ suy thoái bao trùm Châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức rơi xuống dưới 0%Nguy cơ suy thoái bao trùm Châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức rơi xuống dưới 0% Chứng khoán Mỹ 21/3: Dow Jones tăng hơn 200 điểm, Apple dẫn đầuChứng khoán Mỹ 21/3: Dow Jones tăng hơn 200 điểm, Apple dẫn đầu

Song Ngọc

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.