Cảnh báo suy thoái quan trọng của Mỹ xuất hiện lần đầu sau 12 năm vắng bóng
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell mới đây khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh nhưng thị trường trái phiếu dường như không đồng ý với nhận xét này. Thậm chí, chênh lệch lợi suất - một chỉ báo suy thoái quan trọng – đang phát đi tín hiệu báo động lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Ngày 21/3 (giờ Mỹ) chênh lệch lợi suất trái phiếu chính Mỹ phủ kì hạn 3 tháng và 10 năm lần đầu tụt xuống dưới ngưỡng 10 điểm cơ bản (hay 0,1%).
Lần gần đây nhất chênh lệch hai lợi suất này ở dưới ngưỡng 10 điểm cơ bản là tháng 9/2007 tức là từ 3.009 ngày trước – chuỗi liên tục dài nhất trong lịch sử. Trong phiên giao dịch chiều 21/3, chênh lệch này chỉ còn 5 điểm cơ bản, tức là rất gần với hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Cập nhật: Trong phiên sáng 22/3 (giờ Mỹ), lợi suất kì hạn 3 năm (2,468%) đã chính thức cao hơn lợi suất kì hạn 10 năm (2,44%), cho thấy đường cong lợi suất của Mỹ đã đảo ngược - một chỉ báo khủng hoảng đáng tin cậy.
Sự dịch chuyển của đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Nguồn: CNBC.
Các nhà kinh tế cho rằng việc đường cong lợi suất ngày càng phẳng, thậm chí đảo ngược, là một dấu hiệu rất xấu cho nền kinh tế sau khi trải qua một năm khởi sắc nhất kể từ lúc bắt đầu đợt hồi phục năm 2009.
Ông Peter Boockvar, Giám đốc Đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận xét: "Đường cong lợi suất đang phản ứng với những gì mà thị trường trái phiếu nhận thấy, và tôi cho rằng thị trường đang nhận thấy một sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Không chỉ ở Mỹ mà ở khắp mọi nơi, chỉ lúc nào nền kinh tế sắp suy thoái, dấu hiệu này mới xuất hiện".
Lợi suất ngắn hạn tăng mạnh hơn lợi suất dài hạn được coi là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế hiện tại sẽ cao hơn trong tương lai. Nghiên cứu đáng tin cậy của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York cho thấy chênh lệch giữa lợi suất kì hạn 3 tháng và 10 năm là loại chênh lệch có ý nghĩa dự báo lớn nhất.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – đơn vị có trách nhiệm đưa ra chính sách tiền tệ cho Fed tuyên bố hôm 20/3 rằng nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất trong năm nay, trừ khi các điều kiện kinh tế thay đổi.
Chủ tịch Fed Jerome Powell thì nói nền kinh tế Mỹ "đang ở một ví trí tốt" dù đang gặp phải áp lực từ việc Châu Âu và Trung Quốc giảm tốc. Ông Powell và các cộng sự đã đồng thuận hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống mức 2,1% trong năm 2019 và 1,9% trong năm 2020.
Thị trường trái phiếu phát tín hiệu cảnh báo
Các nhà đầu tư trái phiếu đang thể hiện rằng họ nghĩ tăng trưởng thực tế nhiều khả năng còn thấp hơn cả mức mà Fed mới hạ xuống.
Ông David Rosenberg, Kinh tế trưởng tại Gluskin Sheff, nhận định: "Mọi người chỉ cần đọc đoạn đầu tiên trong thông cáo báo chí là đủ hiểu Fed đã hạ mức đánh giá đối với tình hình kinh tế. Nhìn vào việc lựa chọn từ ngữ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với điều chỉnh con số dự báo."
Giống như những nhà quan sát thị trường tài chính khác, ông Rosenberg cũng nhận thấy rằng thị trường cổ phiếu và trái phiếu đang phản ứng trái chiều nhau: lợi suất trái phiếu giảm thể hiện tăng trưởng thấp hơn, còn chỉ số cổ phiếu vẫn đang tăng.
"Có thể thị trường cổ phiếu không đồng ý với thông điệp suy thoái của thị trường trái phiếu chính phủ, nhưng nếu hoàn toàn lờ đi đường cong lợi suất trái phiếu thì thật là ngu xuẩn", ông Rosenberg nhận định tiếp. "Lợi suất thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) của trái phiếu kì hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng qua là 0,56%. Dù là trong đợt Đại Suy thoái 2008-09, lợi suất thực cũng không xuống thấp tới mức này".