|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ suy thoái bao trùm Châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức rơi xuống dưới 0%

23:13 | 22/03/2019
Chia sẻ
Phiên giao dịch thứ Sáu (22/3), lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kì hạn 10 năm rơi xuống dưới 0 lần đầu tiên kể từ tháng 10/2016, báo hiệu nguy cơ suy thoái đối với không chỉ nền kinh tế Đức mà còn cả Châu Âu.

Giữa những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Đức (lớn nhất khu vực đồng tiền chung euro zone) sau hàng loạt số liệu kém khả quan, lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm của nước này đã có lúc lao dốc xuống mức thấp nhất -0,001%. 

Đây là lần đầu tiên lợi suất này giảm xuống dưới 0% kể từ tháng 10/2016.

Nguy cơ suy thoái bao trùm Châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức rơi xuống dưới 0% - Ảnh 1.

Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kì hạn 10 năm giai đoạn 2016 đến nay. Nguồn: Bloomberg.

Ông Holger Schmieding, kinh tế trưởng tại Berenberg cho biết: Biến động này của lợi suất trái phiếu chủ yếu là do "sự lo sợ về Brexit" và "diễn biến tiêu cực của triển vọng xuất khẩu trong chỉ số PMI sản xuất".

Số liệu PMI do IHS Market công bố hôm nay 22/3 cho thấy khu vực sản xuất của Đức trong tháng 3 tiếp tục sụt giảm, đánh dấu tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp với tăng trưởng sản lượng ở gần mức thấp nhất 6 năm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kì hạn 10 năm là một tham chiếu quan trọng cho các trái phiếu khác tại Châu Âu và được nhà đầu tư coi là một "vịnh tránh bão" an toàn.

Trong những lúc nền kinh tế bất ổn hay thị trường diễn biến khó khăn, nhà đầu tư thường rời bỏ những tài sản rủi ro (như cổ phiếu, … ) và đổ tiền vào những tài sản được coi là an toàn như vàng hay trái phiếu chính phủ Đức. 

Việc trái phiếu chính phủ Đức kì hạn 10 năm tụt xuống dưới 0 cho thấy nhu cầu đối với loại trái phiếu này rất lớn do những bất ổn thường trực của nền kinh tế khu vực euro zone, mà nguyên nhân sâu xa là vì nước Đức đang giảm tốc, các chính trị gia bế tắc trong tiến trình Brexit và các nhân tố khác nữa.

Số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) vào tháng 2 cho thấy nước này may mắn thoát khỏi suy thoái trong quí IV/2018 khi tăng trưởng GDP vừa đủ ở mức 0,0% (nếu xuống dưới 0% thì coi như nền kinh tế rơi vào suy thoái).

Trong tháng 1, Destatis công bố số liệu tăng trưởng GDP cả năm 2018 ở mức 1,5%, trong khi của năm 2017 là 2,2%. Tuy đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Đức trong 5 năm trở lại đây, Destatis cho biết nền kinh tế này vừa có năm tăng trưởng dương thứ 9 liên tiếp.

Ngoài việc nền kinh tế Đức giảm tốc, những bất ổn xung quanh tiến trình Brexit cũng là một nhân tố gây nhiều lo ngại. Trong một diễn biến mới nhất, Liên minh châu Âu đồng ý lùi hạn chót cho việc nước Anh ra khỏi khối, nhưng nói thêm rằng thời gian lùi cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc liệu Quốc hội Anh có phê chuẩn kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May vào tuần sau hay không.

Dường như tất cả những nhân tố này đều khiến cho nhà đầu tư Châu Âu thêm cẩn trọng. Ngay tháng 3 này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng khu vực năm 2019 từ mức 1,7% đưa ra tháng 12/2018 xuống còn 1,1%.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cảnh báo rằng đã diễn ra "một sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động mở rộng kinh tế và xu hướng này sẽ kéo dài sang năm nay".

Cảnh báo suy thoái quan trọng của Mỹ xuất hiện lần đầu sau 12 năm vắng bóngCảnh báo suy thoái quan trọng của Mỹ xuất hiện lần đầu sau 12 năm vắng bóng Các nhà kinh tế học lo Mỹ rơi vào suy thoái năm 2020Các nhà kinh tế học lo Mỹ rơi vào suy thoái năm 2020 Châu Âu lại bên bờ vực suy thoái?Châu Âu lại bên bờ vực suy thoái?

Song Ngọc

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.