Vị cay hồ tiêu Việt
Vặt lá cây mai, anh Võ Hoài Nhơn, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, không chỉ muốn tạo diện mạo mới cho ngôi nhà vào ngày Tết, anh còn gửi vào đó hy vọng sớm bán được khu đất trồng tiêu.
Sau hơn 1 năm cố gắng bám trụ vào cây tiêu, anh Nhơn và gia đình quyết định treo biển bán vườn tiêu rộng 10m, dài 100m, khu đất mà họ vay ngân hàng để mở rộng diện tích trồng thời điểm tiêu được giá. Đến lúc này, anh thấy tiếc lần người ta trả giá 40 triệu đồng mỗi mét ngang, còn bây giờ, muốn bán giá đó mà không có ai mua.
Gia đình anh Nhơn mở rộng diện tích trồng tiêu vào năm 2015, thời điểm tiêu có giá bán tốt, khoảng 280.000 đồng/kg.
Khi đó, giá tiêu cao đã thúc đẩy các nông hộ đầu tư mở rộng diện tích trồng tiêu ở Gia Lai. Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, cho biết đỉnh điểm diện tích trồng tiêu lên tới gần 16.300ha, trong khi quy hoạch toàn tỉnh đến năm 2020 chỉ 6.000ha.
Các hộ trồng tiêu cho rằng mở rộng diện tích trồng tiêu sẽ là một khởi đầu mới. Họ không lường được rằng khởi đầu mới đó không bền vững, với cây giống hạn chế và chưa có biện pháp phòng trừ dịch bệnh hiệu quả.
Bây giờ, nhiều nông hộ cảm thấy việc mở rộng diện tích trồng tiêu là sai lầm, nhưng họ không có tiền để trả ngân hàng và chuyển đổi cây trồng. Một số nông hộ chọn việc bán đất để trả tiền vay ngân hàng, một số đi làm thuê.
Ngân hàng Nhà nước cũng cố gắng cho người trồng tiêu một lối thoát: khoanh nợ cho Gia Lai, tỉnh có thiệt hại về hồ tiêu lớn nhất tại khu vực Tây Nguyên.
Các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ 398,5 tỉ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất 248,5 tỉ đồng, khoanh nợ khoản vay tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 122 triệu đồng, đồng thời cho vay mới 1.032 tỉ đồng để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Nhưng quyết định khoanh nợ này cũng cho thấy ngành nông nghiệp và chính quyền đã thất bại trong việc phát triển kinh tế địa phương, tạo sinh kế cho người dân.
Hồ tiêu có chuỗi giá trị ngắn và nông hộ thuộc nhóm yếu thế. Trong khi đó, chính sách phát triển ngành hồ tiêu, theo ông Hoàng Phước Bính, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, được quy định trong các chính sách phát triển chung về nông nghiệp và hầu hết vẫn nằm trên giấy.
Chẳng hạn, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã không đi vào cuộc sống nên được thay bằng Nghị định 57/2018/NĐ-CP, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.
Hay Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khó triển khai bởi những vướng mắc liên quan đến nhận thức và kỹ năng của nông dân.
Thị trường hàng hóa nông sản toàn cầu luôn tuân theo chu kỳ thịnh vượng và suy thoái. Sự thịnh vượng ngành tiêu Việt Nam đạt được khi hồ tiêu đạt mức giá cao nhất, quý I/2015, giá tiêu đen xuất khẩu là 8.772 USD/tấn và tiêu trắng 12.500 USD/tấn.
Năm 2010 cả nước có 51.500ha, đến năm 2017 đã tăng lên trên 151.900ha, trong bối cảnh các quốc gia dẫn đầu thế giới về hồ tiêu như Campuchia và Brazil mở rộng sản xuất, tăng nguồn cung ra thị trường.
Việt Nam, một quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, vẫn muốn tăng kim ngạch xuất khẩu lên mức cao hơn. Tuy nhiên, nguồn cung hồ tiêu từ Việt Nam có thể bị đứt khi ngày càng nhiều hộ trồng tiêu bị đẩy ra ngoài chuỗi.
Bên cạnh đó, diện tích và sản lượng tiêu của Việt Nam cũng có thể bị thu hẹp do các nông hộ không quan tâm chăm sóc, bảo vệ vườn tiêu, kết hợp với nguồn bệnh chết nhanh, chết chậm đang tồn tại khá phổ biến, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Tại Gia Lai, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 16.278ha, nhưng diện tích hồ tiêu bị chết đã lên tới 5.547ha.
Trong khi Việt Nam đang bối rối với những vấn đề nội tại, khả năng mở rộng sản xuất, tăng nguồn cung ra thị trường dồn cả về Campuchia và Brazil, giữa lúc tiêu thụ sản phẩm tiêu thế giới đạt khoảng 510.000 tấn.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 2017-2025, với tốc độ tăng nhu cầu 2,5-3%/năm, đến năm 2025 nhu cầu sẽ đạt 570.000-590.000 tấn và năm 2030 có thể là 640.000-650.000 tấn.
Nhu cầu tiêu thụ của Mỹ và Hà Lan là lớn nhất và tiếp tục tăng đến năm 2030. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó Mỹ nhập khẩu để tiêu dùng trong nước và Hà Lan nhập cho tiêu dùng và chế biến tái xuất sang các nước khác.
Nguồn cung hồ tiêu của Việt Nam ra thế giới vẫn có thể tiếp tục xu hướng tăng trong những năm tới, có khả năng cung cấp ra thị trường 210.000-350.000 tấn trong giai đoạn 2017-2030.
Sản lượng tiêu của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây, chiếm 43% sản lượng tiêu toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), thời điểm này thích hợp cho việc điều chỉnh diện tích hồ tiêu, giảm từ 150.000ha xuống 100.000ha, trong đó mỗi tỉnh nên xác định cụ thể diện tích hồ tiêu cần duy trì, phần còn lại chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để đảm bảo sinh kế cho người nông dân. Tất nhiên, ngành tiêu cũng cần Nhà nước đầu tư các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế thị trường.