|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VFA và thực trạng 'ít tài, nhiều tật'

19:10 | 30/03/2018
Chia sẻ
Trình bày báo cáo nghiên cứu “Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất biện pháp cải tổ hiệp hội”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ rõ VFA đã có góp phần không nhỏ cho sự phát triển ngành gạo những năm đầu thành lập, song với xu hướng và cơ cấu nông nghiệp hiện tại VFA đang bộc lộ nhiều yếu điểm khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.
vfa va thuc trang it tai nhieu tat Bỏ kho gạo và không còn đăng ký hợp đồng với VFA
vfa va thuc trang it tai nhieu tat Chính sách xuất khẩu gạo nhiều bất cập, Vinafood 1, Vinafood 2 hưởng đặc quyền

Theo đó, báo cáo cho thấy 2 vấn đề nội tại lớn nhất của VFA hiện nay là cơ cấu bộ máy, quản trị, vận hành; và việc thực hiện các vai trò của một hiệp hội.

Hình thành như một cơ sở hành chính, thay vì hiệp hội

Được thành lập ban đầu với trên 40 thành viên đều là doanh nghiệp quốc doanh nhằm thay mặc chính phủ trực tiếp điều phối và quản lý hoạt động xuất khẩu gạo. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu, VFA đã có tư duy quản lý nhà nước, được trao quyền thiết lập mức giá và cấp phép xuất khẩu.

Mặc dù hiện tại, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước trong cơ cấu hội viên VFA đã giảm từ 55% năm 2006 xuống còn 11,6% năm 2017, song vị trí Chủ tịch hiệp hội do Bộ Nông nghiệp phê chuẩn, thường do lãnh đạo Vinafood I và Vinafood II thay nhau đảm nhận. Do đó kéo các công ty lương thực địa phương là thành viên Vinafood II vào Ban chấp hành, tạo ra những lợi ích nhóm, khiến nội bộ VFA không đoàn kết, đặc biệt là giữa các công ty lương thực địa phương là thành viên của VFA, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.

Một doanh nghiệp tư nhân tại Cần Thơ tham gia vào nghiên cứu cho biết: “VFA là hiệp hội ngành nghề phi Chính phủ, nhưng lại được Chính phủ giao cho họ nhiệm vụ quá lớn. VFA đáng ra phải trung thực, người đứng đầu không thể là tổng giám đốc một công ty thành viên. Trước đây, việc mặc định người đứng đầu Vinafood I, Vinafood II là người đứng đầu VFA gặp phản đối rất nhiều từ các doanh nghiệp, nhưng điều này vẫn diễn ra. Thời Ba Phong làm chủ tịch đã đưa phần lớn các công ty thành viên Vinafood I, Vinafood II vào Ban Chấp hành, trong khi lượng xuất khẩu của các công ty này là rất ít.”

Theo bà Dương Thanh Thảo, chủ một doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa, việc gia nhập hiệp hội đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó khăn khi phải tuân thủ những yêu cầu không thể thực hiện được của Nghị định 109/2010/NĐ-CP như phải có kho chuyên dùng, cơ sở xay …

Vì vậy, báo cáo nhận định rõ VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp quy mô nho, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao như gạo đặc sản, gạo hữu cơ, các sản phẩm chế biến từ gạo, các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm lúa gạo thì lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của Hiệp hội.

vfa va thuc trang it tai nhieu tat
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lyly

Bảo vệ lợi ích hội viên nói chung hay chỉ các doanh nghiệp nhà nước?

Được thành lập với kỳ vọng sẽ là “cánh tay nối dài” của chính phủ để quản lý ngành gạo, đặc biệt trong thời kỳ cạnh tranh về giá trở nên khốc liệt, song VFA chưa làm tốt vai trò của mình.

Ví dụ, báo cáo nêu rõ sau khi các hợp đồng G2G được ký kết, 80% giá trị hợp đồng sẽ do VFA phân giao cho các doanh nghiệp thành viên đáp ứng đầy đủ bốn tiêu chí (thành tích xuất khẩu, trách nhiệm thực hiện, lượng thóc – gạo có sẵn, thành tích thu mua thóc gạo). Trên thực tế, các doanh nghiệp Nhà nước (Vinafood I, Vinafood II) luôn luôn là các đầu mối xuất khẩu được chỉ định ký kết, tổ chức thực hiện các hợp đồng tập trung, theo đó duy trì vị thế độc quyền trên các thị trường có hợp đồng tập trung với Việt Nam.

“Các doanh nghiệp thành viên VFA không được lấy ý kiến về lượng và giá đấu thầu nên việc thực hiện hợp đồng trở nên thiếu minh bạch, thiếu sự đồng thuận và gây áp lực về việc thực hiện hợp đồng cho các doanh nghiệp thành viên”, trích ý kiến của một đại diện doanh nghiệp tại Cần Thơ trả lời phỏng vấn năm 2007.

Ngoài ra, bà Thảo cho biết thêm vai trò của một hiệp hội là cung cấp thông tin về dự án hay quy định mới, nhưng VFA vẫn chưa thực hiện được, hoặc khi thông tin đến được với doanh nghiệp thì cũng quá trễ khiến họ không phản ứng kịp. Đồng thời khả năng điều tiết, tư duy và cân đối thị trường, cũng như xúc tiến thương mại của hiệp hội còn yếu kém.

Nguyên nhân là vì lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước kiêm nhiệm lãnh đạo VFA, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước đang tụt hậu so với khối doanh nghiệp tư nhân cả về năng lực phát triển thị trường và năng lực liên kết sản xuất.

“Ngành lúa gạo phải có kiến trúc sư trưởng mới thay đổi được cục diện và vị thế. Vai trò của Hiệp hội quan trọng do vị thế dẫn dắt ngành nghề và doanh nghiệp, nhưng Hiệp hội không có tư duy thị trường để đảm nhiệm vị thế dẫn dắt ngành. Hiệp hội cần có nhân lực độc lập với doanh nghiệp trong Hiệp hội để minh bạch và độc lập với quyền lợi riêng của doanh nghiệp và địa phương, đồng thời cần tách bạch sự độc lập về quản ly để tách doanh nghiệp ra khỏi quản trị Hiệp hội", một doanh nghiệp tại TP HCM trả lời phỏng vấn năm 2003.

vfa va thuc trang it tai nhieu tat
Ông Võ Hùng Dũng, Chuyên gia kinh tế, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: Lyly.

Thay đổi từ đâu?

Về phía nhà nước, báo cáo kiến nghị thay đổi về căn bản tư duy và cách tiếp cận khung phát triển chính sách. Đồng thời cần chủ động thay thế các chính sách đã lỗi thời, cải cách triệt để thể chế ngành lúa gạo, đặc biệt là VFA và doanh nghiệp nhà nước, xây dựng hệ thống chính sách – thể chế mới dựa trên kỷ luật, công bằng và minh bạch.

Về phía VFA, cần giới hạn tên gọi trong phạm vi doanh nghiệp xuất khẩu, có thể là Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi của hội viên (như VASEP hiện nay); dẫn dắt/định hướng phát triển thị trường lúa gạo theo đúng mục tiêu tăng chất lượng, tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, VFA cần minh bạch hóa, xác lập nguyên tắc đồng thuận và bình đẳng trong hoạt động đàm phán, ký kết và triển khai các hợp đồng tập trung. Cải tổ và thay đổi một cách triệt để, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc: tự nguyện, tự quản (độc lập với Nhà nước), tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, phải sửa đổi điều lệ, xóa bỏ các rào cản gia nhập đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia.

Tham gia hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT), cho rằng việc sửa đổi Nghị định 109 là không cần thiết, mà thay vào đó là phải loại bỏ hoàn toàn. Theo ông, nghị định được đưa ra khi thị trường mới chuyển đổi cần sự can thiệp của nhà nước, vì vậy không thể sử dụng lối tư duy cũ để sửa đổi.

“Điểm yếu kém lớn nhất trong ngành gạo Việt Nam là thể chế. VFA chỉ là một tổ chức sản sinh ra từ thể chế đó. Lúc đầu VFA có những lợi ích xuất phát từ sự cần thiết của nhà nước, rồi dần chuyển đổi.

Bản thân thành viên VFA nhận thấy mình có những quyền lực, quyền lợi đó lại trở thành một tác nhân quay trở lại vận động chính sách. Và giới chính sách với những nhân tố vận động, gần như hòa trộn với với nhau, có cái là của giới chính sách biến thành của VFA, có cái của VFA là tiếng nói của giới chính sách để cuối cùng đưa ra chính sách. Như vậy, chúng tôi thấy rằng, VFA thực chất là một sản phẩm nhiều hơn.

Tuy nhiên, nhiều người trong VFA dần thấy được các lợi ích đó. Vì vậy, chúng ta thấy có những doanh nghiệp ở bên ngoài kêu gào muốn trở thành thành viên hiệp hội, nhưng khi vào được VFA, lại không có quyền lợi đó cũng lại kêu gào. Nhưng nếu nằm trong thành phần có quyền lợi thì lại bảo vệ”, ông Võ Hùng Dũng, Chuyên gia kinh tế, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, phát biểu.

Tố Tố