|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Về tay 'đại gia kín tiếng', Vinafreight tính rút khỏi trụ sở tại A8 Trường Sơn để xây cao ốc gần sân bay Tân Sơn Nhất?

13:26 | 15/08/2019
Chia sẻ
Sau cổ phần hoá, hiện cổ đông tư nhân đã nắm quyền biểu quyết gần như tuyệt đối tại Vinafreight, trong đó có công ty của "đại gia kín tiếng" Bùi Tuấn Ngọc.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Vinafreight vừa công bố, Hội đồng quản trị công ty này vừa quyết định thông qua việc lấy ý kiến cổ đông về việc di dời trụ sở công ty từ A8 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM.

Theo đó, công ty sẽ chuyển về Lầu 1, Block C, toà nhà văn phòng Waseco, số 10 đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình.

v3-4-2019

Địa chỉ Vinafreight tại 8A Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. (Ảnh: OneCham)

viber_image_2019-08-15_11-33-36

Mặt tiền đường Trường Sơn. (Ảnh: OneCham)

v2-4-2019

Mặt tiền đường Trường Sơn. (Ảnh: OneCham)

Theo tìm hiểu, khu đất tại địa chỉ A8 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM được Vinafreight quản lý và khai thác.

Khu đất có hai mặt tiền lớn nằm ngay vòng xoay đường Phan Đình Giót – Trường Sơn và Huỳnh Lan Khanh, có vị trí cực kì thuận lợi trên đường dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất khi chỉ cách khoảng 1 km.

viber_image_2019-08-15_11-33-30

Mặt tiền đường Huỳnh Lan Khanh. (Ảnh: OneCham)


2018-02-02

(Ảnh: Cao Nguyen)

"Đại gia kín tiếng" muốn xây dựng cao ốc?

Công ty Vinafreight được thành lập vào năm 1997, trước đây là đơn vị chuyên về vận tải hàng không thuộc công ty Giao nhận kho vận ngoại thương TP HCM (VINATRANS) chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không, hậu cần và đại lý tàu biển.

Năm 2001, Bộ trưởng Bộ Thương mại phê duyệt phương án cổ phần hóa chuyển xí nghiệp dịch vụ kho vận thành Công ty cồ phần Vận Tải Ngoại thương, tên giao dịch là Vinafreight với số vốn điều lệ ban đầu 18 tỉ đồng.

Sau khi cổ phần hoá, VINATRANS đã không còn là công ty mẹ của Vinafreight. Thay vào đó, Công ty Cổ phần Transimex (Transimex Saigon) của "đại gia kín tiếng" Bùi Tuấn Ngọc đã chính thức trở thành công ty mẹ sở hữu 53,33% vốn tại Vinafreight sau khi liên tục mua vào cổ phiếu VNF.

Hiện Transimex Saigon vẫn đang muốn gia tăng sở hữu tại Vinafreight, lần gần nhất vào ngày 23/7, Transimex Saigon tiếp tục đăng ký mua vào 181.400 cổ phiếu VNF, tương đương 2,2% vốn điều lệ.

Nhóm công ty liên quan với ông Bùi Tuấn Ngọc, trong đó có Công ty TNHH Đầu tư và Thương Mại Thiên Hải và Công ty Toàn Việt đã liên tục mua gom cổ phiếu VNF từ năm 2013 trước khi chuyển giao phần vốn cho Công ty Cổ phần Transimex.

Hai pháp nhân này cũng liên tục xuất hiện trong hàng loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp có gốc nhà nước tại TP HCM, gần đây nhất là thương vụ thâu tóm CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà (Intresco -  Mã: ITC), đơn vị cũng đang triển khai dự án toà nhà căn hộ - khách sạn Terra Royal trên khu đất rộng hơn 6.582 m2 nằm ngay giao lộ Nam kì Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng ở quận 3.

Ông Bùi Tuấn Ngọc đang sở hữu cổ phần và là thành viên HĐQT tại hàng loạt doanh nghiệp lâu năm tại Sài Gòn như Seaprodex, Rosvietimpex, Cholimex, May Sài Gòn, CTCP Dịch vụ Bến Thành, CTCP Đầu tư và xếp dở Khánh Hội,…

Qua đó cho thấy xu hướng đầu tư vào bất động sản thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp có gốc gác tại TP HCM của đại gia kín tiếng này.

Bên cạnh Transimex Saigon, danh sách cổ đông lớn của Vinafreitght xuất hiện một công ty đất động sản là CTCP Quản lý & Phát triển Bất động sản Conasi.

Công ty này hiện đã sở hữu 8,76% vốn sau khi Vinafreight thực hiện phát hành ưu đãi với giá 20.000 đồng/cp và tăng vốn điều lệ từ 56 tỉ lên 83,9 tỉ đồng vào tháng 10 năm 2018. Theo đó, tỉ lệ sở hữu của VINATRANS tiếp tục giảm xuống mức 10,89%.

Bất động sản Conasi là doanh nghiệp được thành lập năm 2016 tại 58 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM do ông Nguyễn Quang Trung làm đại diện pháp luật. Vốn điều lệ ban đầu là 20 tỉ đồng, đến cuối tháng 8/2017, Conasi tăng vốn lên 250 tỉ đồng.

Với những tình tiết trên, không loại trừ khả năng những ông chủ mới của Vinafreight đang tính đến chuyện chuyển hướng đầu tư bất động sản. 

Bởi hoạt động kinh doanh của Vinafreight trong những năm gần đây là không thực sự ấn tượng. Trong năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của Vinafreight tiếp tục giảm lần lượt 11% và 22% so với năm 2017.

Dù vậy, việc triển khai dự án bất động sản tại khu vực này hay không còn phụ thuộc vào việc khu đất nằm ngay đoạn nối Phan Đình Giót – Trường Sơn được phê duyệt nằm trong khu Vùng 2 hay Vùng 3.

Trước đó, năm 2011, UBND TP HCM đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 đối với các tuyến đường Trường Sơn - Phan Đình Giót - Trần Quốc Hoàn.

Theo thiết kế, Vùng 2 dọc hai bên trục đường Trường Sơn, sẽ xây dựng nhà ở liên kế kết hợp với thương mại dịch vụ nhỏ với tầng cao khoảng 2 - 8 tầng. 

Vùng 3 dọc theo hai trục đường Phan Đình Giót, Trần Quốc Hoàn - Phổ Quang, phát triển văn phòng, kinh doanh thương mại dịch vụ…

Hoàng Trung