|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ai đang là chủ dự án lớn bậc nhất tại giao lộ ‘vàng’ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng ở Sài Gòn?

07:30 | 13/07/2019
Chia sẻ
Ngay giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng ở quận trung tâm Sài Gòn, toà nhà căn hộ - khách sạn Terra Royal được thiết kế theo phong cách sang trọng, hiện đại bậc nhất Sài Gòn sừng sững trên khu đất rộng hơn 6.582 m2 đang trong quá trình hoàn thiện.

Giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng vốn là con đường huyết mạch ngay trung tâm thành phố, nơi đây hội tụ khá nhiều tòa nhà lớn là trụ sở của các ngân hàng như BIDV, Sacombank. Tuy nhiên, ngay sau khi Terra Royal mọc lên, dự án đã khiến các tòa nhà xung quanh trở nên bé nhỏ.

0-02-06-363c7932896323727065e3c8239e70ccf076e4d3e40fac023de48509f5c5c5a6_8db482d0

Dự án Terra Royal tại giao lộ 'vàng' Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng, ảnh chụp tại ngày 12/7. (Ảnh: Huy Nguyên)

0-02-06-2eda4aaa48ada583211b10f6bb345e1a11d366384c7464a5918df633f60b44d3_8c65f5b

Ảnh chụp tại ngày 12/7. (Ảnh: Huy Nguyên)

itc4

Terra Royal mọc lên, dự án đã khiến các tòa nhà xung quanh trở nên bé nhỏ. ảnh chụp tại ngày 12/7. (Ảnh: Huy Nguyên)

itc5

Ảnh chụp tại ngày 12/7. (Ảnh: Huy Nguyên)

Terra Royal có tổng vốn đầu tư 2.700 tỉ đồng. Diện tích sàn xây dựng 65.245 m2 (không bao gồm sàn tầng hầm và tầng mái), bao gồm 366 căn hộ với tổng diện tích 29.800 m2, khu khách sạn 305 phòng có diện tích 27.926 m2 và khu thương mại – dịch vụ rộng 7.712 m2.

Theo thông tin chủ đầu tư công bố, Terra Royal là khu phức hợp căn hộ, khách sạn 5 sao có 7 tầng trung tâm thương mại và 366 căn hộ sang trọng và 305 phòng khách sạn.

Một số website bán hàng quáng bá Terra Royal là trung tâm thương mại, giải trí, mua sắm, rạp chiếu phim, căn hộ dịch vụ 5 sao, nhà hàng Sky Bar sang trọng, hồ bơi trên không, gym, spa, phòng sinh hoạt cộng đồng… vị trí đắc địa nhất hiện nay.

itc1

Phối cảnh dự án (trái) và tiến độ vào đầu năm 2019

banner-terra-royal-1-1454x499

Phối cảnh Terra Royal và nội thất bên trong được quảng bá trên một số website bán hàng.

Báo cáo thường niên năm 2018 của chủ đầu tư dự án, CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà (Intresco - Mã: ITC) cho biết, dự kiến bắt đấu bàn giao cho khách hàng vào quý IV năm nay và bắt đầu ghi nhận doanh thu, phần khách sạn và dịch vụ sẽ được đưa vào kinh doanh vào năm 2020.

Dù vậy, thông tin về dự án này vẫn rất hạn chế. Bên ngoài bờ rào dự án không hề ghi chủ đầu tư, những pano với thương hiệu HDBank cũng đã nhoà.

Tính đến hết quí I, chi phí xây dựng dở dang của dự án chiếm gần 64% giá trị tồn kho của Intresco, tương đương 1.853 tỉ đồng.

itc6

Giá trị tồn kho của Intresco tính đến 31/3/2019. (Nguồn: BCTC quí I/2019)

Cũng kể từ khi đi vào xây dựng dự án, nợ của Intresco phình to ra mỗi năm kể từ 2015 đến nay, kéo theo tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng từ khoảng 15% vào năm 2014 lên gần 60% tính đến cuối tháng 3 năm nay.

itc7

(Biểu đồ: Tiến Vũ Tổng hợp)

Hiện chủ nợ cho vay lớn nhất của Intresco là ngân hàng HDBank với khoảng 280 tỉ đồng cho vay ngắn hạn và 294 tỉ đồng dài hạn.

itc2

Bên ngoài bờ rào dự án không hề ghi chủ đầu tư, những pano với thương hiệu HDBank cũng đã nhoà, ảnh chụp tại ngày 12/7. (Ảnh: Huy Nguyên)

itc3

Ảnh chụp tại ngày 12/7. (Ảnh: Huy Nguyên)

Ai mới thực là ông chủ?

CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà tiền thân là Doanh nghiệp Nhà nước Đầu tư - Kinh doanh nhà thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, được cổ phần hóa theo Quyết định số 23/2000/QĐ-TTg ngày 18/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ;

Ngày 29/11/2000 Công ty đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty và chính thức đi vào hoạt động theo hình thức Công ty Cổ phần vào tháng 1/2001.

Tháng 7/2006 Intresco tăng vốn điều lệ từ 25 tỉ lên 36 tỉ đồng. Đến tháng 4/2007 Intresco tiếp tục tăng vốn lên 200 tỉ đồng và tiếp tục tăng lên 230 tỉ đồng năm 2008. Theo đó, sở hữu vốn nhà nước đã giảm xuống chỉ còn 16,26% năm 2007.

Ngày 19/10/2009, cổ phiếu ITC chính thức niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Năm 2010, Intresco tăng vốn lên 690 tỉ đồng bằng cách phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.

Quỹ Vietnam Azalea Fund (VAF) thuộc Mekong Capital là những cổ đông nước ngoài tham gia vào Intresco sớm nhất từ năm 2008. Đến tháng 12/2011, sở hữu của Mekong tại Intresco tăng từ 11,46% lên 19,87%.

Sau nhiều năm nắm giữ cổ phần Intresco không mang lại hiệu quả, từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016, Mekong Capital đã thoái vốn sạch vốn khỏi Intresco.

Bên nhận chuyển nhượng là CTCP Thiết kế Kiến trúc Tương Lai, cũng chính là đơn vị thiết kế toà nhà Terra Royal. Doanh nghiệp này đã trở thành cổ đông lớn nhất Intresco với tỷ lệ sở hữu 19,87%.

Giữa tháng 5 vừa qua, CTCP Thiết kế Kiến trúc Tương Lai tiếp tục mua thêm 2 triệu cổ phiếu từ một cổ đông ngoại khác là Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund. Qua đó, đã nâng sở hữu lên 15,73 triệu cổ phiếu, tương đương 22,9% vốn tại Intresco.

Theo tìm hiểu của người viết, CTCP Thiết kế Kiến trúc Tương Lai được thành lập năm 2009 do ông Nguyễn Mãnh, Thành viên Hội đồng quản trị Intresco, là đại diện pháp luật đồng thời làm Tổng giám đốc.

Công ty có trụ sở tại 215 đường 9A, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Ông Mãnh tham gia vào HĐQT Intresco nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ tháng 8/2015 sau khi mua lại 6,67 triệu cp ITC. Ngoài ra, không có thêm thông tin gì về đại gia này. Bản đăng ký kinh doanh gần nhất của Công ty này cũng không có thông tin nào về cổ đông góp vốn.

Nến năm 2018, danh sách cổ đông lớn của Intresco xuất hiện thêm hai pháp nhân mới là CTCP Đầu tư Toàn Việt và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải.

Sau khi liên tục mua vào cổ phiếu ITC, Công ty Toàn Việt hiện đang nắm giữ 6,89 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn ITC; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải cũng đang giữ 4,13 triệu cp, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,03%.

Theo thông tin từ Sở kế hoạch Đầu tư TP HCM, CTCP Đầu tư Toàn Việt thành lập ngày19/11/2009 và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải thành lập ngày 24/10/1998. Cả hai công ty đều có trụ sở tại số 56 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP HCM. Đồng thời, hai doanh nghiệp này từng là cổ đông lớn của khá nhiều doanh nghiệp niêm yết liên quan đến ngành dịch vụ, thương mại, xuất khẩu, vận tải, logistics.

Đáng chú ý, cả hai tổ chức trên đều có liên quan đến ông Bùi Tuấn Ngọc – một đại gia giàu có nhưng cực kỳ kín tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Bùi Tuấn Ngọc (sinh năm 1965) hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Toàn Việt cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương Mại Thiên Hải.

Ngoài ra, lý lịch công tác của ông Bùi Tuấn Ngọc là một danh sách đồ sộ tại những vị trí cấp cao trong hàng loạt doanh nghiệp lâu năm tại Sài Gòn như Seaprodex, Rosvietimpex….

Không những vậy, ông Ngọc còn đảm nhận kha nhiều chức vụ tại các công ty khác như Chủ tịch Transimex - SaiGon, Phó Chủ tịch Cholimex, Vinafreight… Mới đây nhất, vào cuối năm 2018, ông Ngọc trở thành Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn (GMC).

TUAN-NGOC

(Đồ họa: Tiến Vũ)

Trong một diễn biến khác, vào tháng 12/2018, Intresco đã thành lập CTCP Dịch vụ Du lịch Khách sạn Nhà hàng Royal để quản lý và khai thác các hoạt động tại phần khách sạn của dự án Terra Royal.

Công ty có vốn 200 tỉ đồng do ông Trương Minh Thuận, Chủ tịch HĐQT Intresco làm Tổng Giám đốc. Đáng chú ý là Intresco sở chỉ hữu 75% cổ phần tại công ty nắm quyền khai thác toà nhà này, 25% còn lại là của ai là một ẩn số.

Huy Nguyên