'Vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam đã đến mức báo động'
Hôm nay (5/6), Quốc hội thảo luận về an toàn thực phẩm | |
Bốn bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn từ ngày 13 - 15/6 |
Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Tránh tình trạng "một nhà có hai luống rau, hai chuồng gà"
Mở đầu buổi thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng, “ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ”. Nhiều cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nghiêm trọng về tiếng ồn, không khí, chất thải lỏng, chất thải rắn. Vi phạm trong quá trình vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm vẫn diễn ra khá phổ biến.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu bắt đầu thảo luận. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng các con số báo cáo nêu lên chỉ là phần nổi của tảng băng an toàn thực phẩm.
Ông nói: “Hàng năm chắc chắn có cả chục triệu ca tiêu chảy, người dân thường tự xử chứ không đến bệnh viện nên không được ghi nhận”.
Theo ông Mai, để đối phó, một bộ phận người dân tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo lối tự cấp, tự túc, cũng có người phó mặc sức khỏe, tính mạng cho may rủi, số phận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai. Ảnh: Quochoi. |
Đại biểu Tiền Giang kiến nghị có đường dây nóng với số dễ nhớ như 113, 115 để người dân dễ phản ánh.
Đồng thời, đảm bảo sản xuất an toàn cũng phải được đưa vào thành tiêu chí cứng để công nhận xã Nông thôn mới, không cho nợ. Cũng như đưa vào hương ước làng xã để giảm tình trạng một nhà có “hai luống rau, hai chuồng gà”.
Theo báo cáo, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có 167,8 vụ với hơn 5.000 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.
'Rượu giả để lại hậu quả cho nòi giống Việt'
Trong lĩnh vực rượu bia, nước giải khát có nhiều cơ sở vi phạm, các cơ sở nấu rượu thủ công, thô sơ chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, rượu chưa đăng ký chất lượng, không nhãn mác xảy ra ở nhiều địa phương, gây ngộ độc cho người tiêu dùng….
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nhận định công tác quản lý rượu, bia còn nhiều bất cập khiến rượu giả tràn ngập thị trường. “Có nơi báo động giới hạn đỏ. Xảy ra liên tiếp ngộ độc, hôn mê sâu và tử vong”, bà Ánh phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh. Ảnh: Quochoi. |
Cũng theo đại biểu Ánh, mỗi năm Hà Nội thu giữ 20.000 lít rượu thủ công, hàng trăm chai rượu ngoại. Những sản phẩm không được kiểm định này nếu được tiêu thụ trên thị trường sẽ gây hậu quả nặng nề. "Ngộ độc rượu trở thành nỗi ám ảnh và để lại hậu quả lâu dài cho giống nòi Việt Nam", đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.
Trong 3 tháng gần đây, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp và 9 người đã tử vong vì rượu kém chất lượng. Tháng 5, các cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy hơn 70.000 lít rượu không rõ xuất xứ, gồm nhiều chai rượu ngoại giả…ngộ độc rượu đã trở thành ám ảnh người dân trong thời gian qua. Đại biểu Minh Ánh yêu cầu các cơ quan quản lý siết chặt về việc sản xuất và kinh doanh rượu.
Giải pháp nào cho Vệ sinh An toàn Thực phẩm?
Theo báo cáo "Tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016", Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung một số điều trong Bộ luật hình sự 2015 tội phạm về ATTP.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu cần tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, VSATTP, đặc biệt là đối với vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP.
Đối với Ủy ban nhân dân các cấp, Chính phủ yêu cầu thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn theo quy định tại Điều 65 của Luật ATTP; Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Nghị quyết số 47/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2014 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung một số điều trong Bộ luật hình sự 2015 tội phạm về ATTP. Ảnh: Hanoimoi. |
Ngoài ra, các UBND cần tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố để thay đổi căn bản về điều kiện vệ sinh đối với cơ sở. Đồng thời, cần chủ động bố trí kinh phí của địa phương cho công tác ATTP để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ (không bao gồm kinh phí do Trung ương cấp). Các UBND cũng cần tập trung tăng cường năng lực cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ kiến nghị cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình phối hợp 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 30/3/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết đảm bảo ATTP và tham gia giám sát thực hiện pháp luật về ATTP của Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương.