|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lập cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia

16:24 | 30/11/2024
Chia sẻ
Theo Luật Dữ liệu, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chiều 30/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Dữ liệu, trong đó quy định lập Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Cơ sở dữ liệu này sẽ được tích hợp thông tin từ kết quả thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; dữ liệu được chia sẻ, đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu khác; dữ liệu được số hóa, cung cấp bởi cá nhân, tổ chức và nguồn khác theo quy định.

Mô hình này phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia nhằm phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Dữ liệu chiều 30/11. (Ảnh: Media Quốc hội).

Tổ chức và cá nhân được tự do khai thác dữ liệu mở; dữ liệu cá nhân khi được sự đồng ý của Trung tâm dữ liệu quốc gia và chủ thể dữ liệu; được khai thác dữ liệu khác khi được sự đồng ý của Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Giải trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia tập hợp, tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước và dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Đây là kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Do đó việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ góp phần đơn giản hóa, tác động tích cực đến tất cả thủ tục hành chính hiện có.

Thay vì hệ thống của một bộ, ngành, địa phương phải kết nối với các hệ thống của các bộ, ngành khác, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng hệ thống thông tin các địa phương thì chỉ cần kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Do đó, Luật giúp giảm được số thủ tục, số lượt phải thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác giữa các cơ sở dữ liệu từ các bộ, ngành, hệ thống thông tin khác.

Cơ sở dữ liệu này có thể cung cấp thông tin để phục vụ xây dựng các loại báo cáo điều tra, khảo sát mà không cần tiến hành các thủ tục hành chính để thực hiện, giảm trình tự, thủ tục thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê.

Tuy nhiên, đây là dự thảo Luật mới, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có văn bản điều chỉnh chi tiết việc khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Ngoài nội dung này, Luật vừa thông qua có nhiều quy định hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Sơn Hà

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.