VDSC: Vẫn có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Theo báo cáo chiến lược tháng 4 của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các cuộc khủng hoảng tài chính thường đi kèm với suy thoái kinh tế.
Trong khi có nhiều nguyên nhân của khủng hoảng tài chính như ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, mất giá tiền tệ, bong bóng đầu cơ và vỡ nợ quốc gia, thì điều quan trọng nhất là rủi ro khủng hoảng kinh tế rộng như những gì đã xảy ra trong cuộc Đại khủng hoảng khi kinh tế trì trệ, kì vọng của người dân bị bóp méo và sai lầm chính sách.
VDSC cho biết trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, các rủi ro về thanh khoản ngân hàng và phá giá tiền tệ đang được kiểm soát tốt khi tiền "tràn ngập" trong két sắt của các ngân hàng và các nước mới nổi dự trữ một lượng lớn ngoại tệ mạnh. Tại Việt Nam, dự trữ ngoại hối tăng vọt lên 83 tỉ USD, tương đương 3,7 tháng nhập khẩu.
Tuy nhiên, khủng hoảng tín dụng vẫn có nguy cơ xảy ra nếu thiệt hại kinh tế từ dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Báo cáo chỉ ra Việt Nam đứng đầu trong số các quốc gia có đòn bẩy cao ở châu Á khi tỉ lệ tín dụng trên GDP là hơn 130% vào năm 2019.
Kể từ thời kì hậu khủng hoảng 2008-2009, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam, đặc biệt cho vay tiêu dùng, đã tăng lên đáng kể. Bong bóng giá bất động sản đã được hình thành.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã chậm lại kể từ năm 2018, nhưng VDSC cho rằng quá trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính chưa hoàn tất và mức nợ vẫn còn quá cao
VDSC cho biết: "Chúng ta đang sống trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế, trong đó các Chính phủ, bao gồm cả Việt Nam, đã quyết định đánh đổi tăng trưởng kinh tế để ngăn chặn đại dịch. Tại thời điểm này, hãy tập trung vào đại dịch và khủng hoảng tín dụng!".
Về dự báo ngành ngân hàng, VDSC cho rằng ảnh hưởng của dịch dự kiến làm giảm tăng trưởng tín dụng 2-3 điểm % so với năm 2019, khó tăng NIM do miễn giảm lãi suất (dù được bù lại một phần bởi giảm lãi suất đầu vào), và tăng cường trích lập dự phòng (dù chất lượng tài sản có thể chưa xấu đi ngay do nợ chưa bị chuyển nhóm).
Ngoài ra có thể ảnh hưởng đến thu nhập dịch vụ (do giảm phí giao dịch và khó bán chéo hơn do tăng trưởng tín dụng thấp), nhưng bù lại chi phí thanh toán liên ngân hàng cũng giảm và nhu cầu bảo hiểm nhân thọ tăng nên dự kiến tác động chung lên thu nhập dịch vụ không quá lớn.