VDSC: Khả năng VN-Index vượt 1.000 điểm không cao, khối ngoại có thể mua ròng trở lại vào cuối năm
Kì vọng Luật chứng khoán sửa đổi được thông qua, kích cầu khối ngoại
Tại hội thảo "Triển vọng ngành những tháng cuối năm" chiều 5/9, ông Lân cho biết, theo dữ liệu thống kê, khối ngoại đã bán ròng khá mạnh với hơn 1.600 tỉ đồng trong tháng 8. Dòng tiền ETFs cũng ghi nhận bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, đặc biệt tới từ VFMVN30.
Do có độ trễ khoảng 1 tháng giữa giao dịch trên sàn của nhà đầu tư nước ngoài so với diễn biến của dòng tiền ETFs, khả năng khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn là khá cao.
Không chỉ ở Việt Nam, mà khối ngoại cũng rút ròng mạnh tại các thị trường lân cận trong tháng 8. Thị trường Việt Nam bị bán ròng ít nhất so với các thị trường còn lại.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt.
Ông Lân cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã công bố ba bộ chỉ số mới. Trong đó, bộ chỉ số Vietnam Diamond Index hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài vì các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thành phần sẽ một phần giải tỏa nhu cầu sở hữu cổ phiếu tốt nhưng đã chạm giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài.
Chuyên gia chứng khoán kì vọng HOSE có thể công bố rổ chỉ số Vietnam Diamond Index ngay trong tháng 10 tới. Sự ra đời của các ETFs mô phỏng các rổ chỉ số mới này, theo đó, có thể giúp thị trường thu hút dòng tiền mới từ nước ngoài. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa diễn ra trong tháng 9.
Ông Lân cho cho rằng, vào cuối năm, khối ngoại có thể mua ròng trở lại nhờ các yếu tố vĩ mô tốt, hơn nữa nếu được Quốc Hội thông qua luật chứng khoán sửa đổi vào tháng 10 thì khối ngoại có thể nhanh chân gom hàng.
Khả năng VN-Index vượt mốc 1.000 điểm trong năm 2019 là không cao
Nhận định thị trường chứng khoán vào những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Trưởng Phòng phân tích VDSC cho biết, khả năng VN-Index chinh phục thành công mức 1.000 điểm trong năm 2019 là không cao. Thay vào đó, chỉ số này sẽ dao động quanh ngưỡng P/E 16,7 lần.
Bà Lan cho biết, hiện cung tiền trên thị trường đang hạn hẹp và mức sinh lợi của các kênh đầu tư khác gia tăng. Trong khi lạm phát chung vẫn duy trì ở mức thấp, lạm phát lõi (lạm phát chung sau khi loại trừ tác động của một số mặt hàng chịu sự kiểm soát của Nhà nước) thực tế đã tiệm cận ngưỡng 2%, mức mục tiêu của Chính phủ.
Do vậy, bà Lam đánh giá xác suất mở rộng cung tiền trong nửa cuối năm là rất thấp. Với sự hạn hẹp của dòng tiền, khả năng bứt phá mạnh của VN-Index là khó xảy ra.
Trong bối cảnh đó, chính sách thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng như các lĩnh vực kinh doanh có nhu cần vốn dài hạn khiến kênh trái phiếu doanh nghiệp, với mức lãi suất dao động 11 – 14,5%, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn so với cổ phiếu.
Rủi ro ngoại tác theo vòng xoáy chiến tranh Mỹ - Trung đồng thời khiến vàng trở thành kênh trú ẩn đối với những nhà đầu tư thận trọng. Theo bà Lam, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu khó có thể quay lại mức cao như giai đoạn cuối năm 2017 – đầu năm 2018.
Liên quan đến thoái vốn nhà nước, bà Lam cho biết, tính đến hết quí II, chỉ tiêu thoái vốn nhà nước mới chỉ đạt 20% kế hoạch số lượng doanh nghiệp phải thoái vốn.
Mặc dù vậy, nhờ thương vụ Sabeco, tổng số tiền thu được đạt khoảng 220.000 tỉ đồng. Số tiền này đáp ứng khoảng 88% tổng số tiền thu từ thoái vốn phục vụ chi đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020.
Do vậy, có thể thấy động lực đẩy mạnh thoái vốn trong nửa cuối năm 2019 là không lớn. Thay vào đó, áp lực hoàn thành kế hoạch sẽ rơi vào 2020, và một vài thương vụ lớn có thể diễn ra.