VDSC: Giá cá nguyên liệu mua ngoài và giá bán của Vĩnh Hoàn có thể giảm nhẹ trong quý III
Vĩnh Hoàn xuất khẩu hơn 130 triệu USD, tăng 40% trong 5 tháng | |
Giá trị xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn thông qua Alibaba đã lên tới 3 triệu USD |
Xuất khẩu tăng mạnh tại Mỹ và Trung Quốc trong khi giảm ở châu Âu
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) tiếp tục là doanh nghiệp đầu ngành cá tra với thị phần trong nước 15%. Cơ cấu thị trường của công ty tiếp tục chuyển dịch khi ngày càng tập trung vào Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc là xu hướng chung của ngành, mức độ tập trung của Vĩnh Hoàn vào hai thị trường này lên tới 76%, cao hơn so với trung bình ngành là 43% (theo kim ngạch).
Xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh nhờ lợi thế về thuế chống bán phá giá (CBPG) 0 USD/kg. Hiện tại chỉ có Vĩnh Hoàn và Biển Đông là hai công ty Việt Nam đang xuất khẩu cá tra vào Mỹ do các công ty khác trong ngành bị áp thuế quá cao ở mức 3,87 - 7,74 USD/kg.
Theo đó, thị phần tại Mỹ của Vĩnh Hoàn đã tăng từ 43% cuối năm 2017 lên 56% trong 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, do thuế CBPG sẽ được xem xét lại hàng năm, VDSC duy trì quan điểm thận trọng đối với khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh về thuế CBPG của Vĩnh Hoàn tại thị trường Mỹ.
Nếu phán quyết cuối cùng về thuế CBPG cho kỳ xem xét hành chính lần 14 (POR 14) không đổi so với mức thuế sơ bộ vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố gần đây, Vĩnh Hoàn sẽ mất lợi thế cạnh tranh về thuế CBPG trong năm 2019 do Hùng Vương được hưởng mức thuế 0 USD/kg. Xuất khẩu vào Trung Quốc tăng chủ yếu ở phân khúc phi-lê đông lạnh và cá nguyên con, nhờ giá bán tăng mạnh hơn 35% so với giá trung bình năm 2017.
Vì biên lãi gộp thị trường Trung Quốc thấp hơn biên lãi gộp của thị trường Mỹ 10 -12%, nếu công ty không điều chỉnh cơ cấu sản phẩm ở thị trường Trung Quốc trong khi tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, biên lãi gộp của công ty có thể bị suy giảm.
Thị trường EU tiếp tục sụt giảm về doanh số do các tác động bất lợi của các chiến dịch truyền thông bôi nhọ hình ảnh cá tra. Công ty đã giảm xuất khẩu vào EU. Giá trị xuất khẩu vào EU đã giảm 11% so với cùng kỳ.
Do Vĩnh Hoàn xác định sẽ tiếp tục chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ ở các thị trường mới như Nhật, Brazil, Mexico và khối Đông Nam Âu, VDSC cho rằng các vấn đề về cơ cấu thị trường nói trên không đáng lo ngại.
Tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận nhờ Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu cá tra
Do nhu cầu cá tra của Trung Quốc gia tăng đáng kể trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra chính ngạch đang phải cạnh tranh gay gắt với các đường dây buôn lậu qua Trung Quốc. Các đường dây buôn lậu thu mua đại trà với khối lượng lớn là một trong các yếu tố đẩy giá cá nguyên liệu trên thị trường tăng cao trong thời gian qua.
Tuy nhiên, gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái tổ chức lại việc quản lý nhập khẩu thủy sản. Cụ thể, từ cuối năm 2017 đến nay, cảnh sát và hải quan Trung Quốc đã triệt phá nhiều đường dây nhập lậu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc và duy trì kiểm soát gắt gao đường biên giới giữa hai nước nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu thủy sản.
Ngoài ra từ 1/7, Trung Quốc chính thức giảm thuế suất nhập khẩu philê cá tra đông lạnh từ 10% xuống còn 7% cho các nước tối huệ quốc, trong đó có Việt Nam.
VDSC cho rằng tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu giữa các nhà máy chế biến cá tra và các đường dây buôn lậu sẽ bớt căng thẳng và giá cá nguyên liệu sẽ giảm nhẹ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gia tăng biên lợi nhuận.
Sản lượng chế biến tăng mạnh từ 2019 nhờ nhà máy Thanh Bình và vùng nuôi Tân Hưng
Vùng nuôi Tân Hưng rộng 220 ha gồm 90 ao nuôi thịt và 50 ao nuôi giống được khởi công trong tháng 4/2018. Công ty dự kiến vùng nuôi này sẽ cho thu hoạch đợt cá giống đầu tiên vào tháng 1/2019 và đợt cá nguyên liệu đầu tiên vào tháng 7, 8/2019.
Theo đó, sản lượng nguyên liệu tự nuôi năm 2019 sẽ tăng thêm 40% và mức độ tự chủ nguyên liệu ước đạt 68% vào cuối năm 2019 (so với 57% năm 2018).
Nhà máy Thanh Bình đã bù đắp năng lực sản xuất của Vạn Đức Tiền Giang (VĐTG). Hiện tại, nhà máy Thanh Bình đang vận hành với công suất 120-130 tấn thành phẩm/ngày.
Với mức công suất này, Thanh Bình đã bù đắp được hoàn toàn phần công suất mà Vĩnh Hoàn bị mất đi do không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của VĐTG (công suất của VĐTG trong năm 2017 là 120 tấn/ngày). Công suất của nhà máy Thanh Bình dự kiến sẽ đạt 150 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm 2018.
Giá cá nguyên liệu mua ngoài và giá bán giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2018
Quý III là thời điểm các vùng tự nuôi của công ty vào mùa thu hoạch (tháng 7, 8). Giá cá nguyên liệu trên thị trường cũng đã bắt đầu giảm nhiệt từ đầu tháng 6. VDSC cho rằng chi phí nguyên liệu của công ty sẽ giảm trong quý III và tăng trở lại trong quý IV. Do đó, VDSC hạ dự báo giá cá nguyên liệu trung bình mua từ các hộ nông dân năm 2018 từ 32.600 đồng/kg xuống 32.000 đồng/kg.
Giá cá nguyên liệu trên thị trường có thể giảm mạnh do nhu cầu của thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn. Quý III cũng là mùa thu hoạch của các công ty khác nên sẽ có sự cạnh tranh trong giá xuất khẩu.
Ngoài ra, cá tra cũng chịu áp lực cạnh tranh với các thực phẩm thay thế như tôm, cá minh thái, cá tuyết và các loại thịt. Do đó, VDSC dự báo giá bán của công ty sẽ giảm nhẹ trong nửa cuối năm.
Mặt khác, VDSC dự báo tình hình giá nguyên liệu trong năm 2019 sẽ tiếp tục căng thẳng do hậu quả của giá giống cao trong năm 2018. Tác động của giá giống nằm ở cả giá mua cá nguyên liệu trên thị trường lẫn chi phí tự nuôi.
Giá cá nguyên liệu trung bình năm 2019 sẽ tăng nhẹ lên mức 33.000 đồng/kg. Đối với cá tự nuôi, vùng nuôi Tân Hưng cho thu hoạch trong tháng 8/2019 sẽ có giá tốt do vùng nuôi này tự chủ được con giống.
Công ty kỳ vọng có thể tăng giá để bù đắp được bất kỳ sự gia tăng nào trong giá nguyên liệu. Tuy nhiên, với biên độ tăng giá khá cao công ty đã đạt được trong năm 2018, VDSC không kỳ vọng vào khả năng tăng giá trong năm 2019.
Đồng thời, VDSC giả định thận trọng rằng công ty sẽ giảm mức độ phụ thuộc vào các thị trường Mỹ và Trung Quốc. Các thị trường này có biên lãi khá nhờ khả năng tăng giá bán trong năm 2018. Theo đó, biên lợi nhuận gộp năm 2019 sẽ giảm về mức 15,82%.
Kết thúc phiên 20/9, giá cổ phiếu VHC dừng ở mức 93.000 đồng/cp, tăng gần 64% trong vòng 3 tháng. Khối lượng giao dịch bình quân trong 3 tháng đạt 130.000 -140.000 cp/ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu VHC trong 3 tháng qua (Nguồn: VNDIRECT). |
Theo bản tin tháng 8/2018 của Vĩnh Hoàn, giá trị xuất khẩu phá kỷ lục của tháng 7, đạt 41 triệu USD trong tháng 8, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu tăng 27% nhờ nguồn cung dồi dào trong mùa thu hoạch đồng thời giá bán trung bình vẫn ở mức cao nên giá trị xuất khẩu tăng 85% so với cùng kỳ. Trong tất cả các sản phẩm, giá trị xuất khẩu cá tra phi lê tăng gần gấp đôi. Các sản phẩm khác cũng tăng trưởng mạnh như thịt cá và dầu cá (73%), collagen và gelatin tăng 174%. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt 241 triệu USD, tăng 19% cùng kỳ 2017. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho đến giữa tháng 8, Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 tỷ USD giá trị cá tra, tăng trưởng mạnh 37% so cùng kỳ và chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Theo dự báo, ngành công nghiệp cá tra có thể đạt được một bước đột phá trong năm 2018, với giá trị xuất khẩu vượt quá 2 tỷ USD. |