VCCI: Cần xử lý khách hàng dùng điện nhiều hơn hợp đồng kỳ hạn theo cơ chế mua bán trực tiếp
Bộ Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Góp ý về vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết Dự thảo đã có quy định về việc mua bán điện giữa khách hàng sử dụng điện và tổng công ty điện lực khi mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, Dự thảo chưa xử lý trường hợp sản lượng điện khách hàng này sử dụng lớn hơn so với sản lượng điện họ mua theo các hợp đồng kỳ hạn.
Trên thực tế, không ít khách hàng sử dụng điện chỉ cần chuyển đổi một phần nguồn năng lượng, ví dụ chỉ cần 60-70% tiêu thụ điện từ các nguồn điện tái tạo, phần còn lại vẫn có thể sử dụng các nguồn điện khác.
Trong trường hợp đó, có thể hiểu rằng khách hàng đã mua một phần điện năng từ các đơn vị phát điện có hợp đồng kỳ hạn và một phần điện năng từ các đơn vị phát điện khác trên hệ thống.
Khi đó, không rõ giá điện sẽ được tính toán như thế nào cho phần điện năng mua của các đơn vị khác trên hệ thống: Giá này sẽ được tính theo công thức tại Điều 19 của Dự thảo hay sẽ được tính theo giá bán lẻ áp dụng chung trên toàn quốc?
Ngoài ra, nhiều khách hàng sử dụng điện có nhu cầu tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp nhằm có được chứng nhận chuyển đổi năng lượng để xuất khẩu sang các nước phát triển. Khi đó, các khách hàng này sẽ cần được xác nhận sản lượng điện tái tạo đã mua trên tổng số sản lượng điện tiêu thụ. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về xác nhận tỷ lệ sử dụng điện tái tạo này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi giao dịch với đối tác.
Ngoài ra, VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo cần sửa đổi Điều 5 và Điều 7 của Dự thảo theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.
Theo Điều 7 của Dự thảo quy định về mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng chỉ cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà phải đợi giai đoạn tiếp theo. Do các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể.
Về yêu cầu đối với đơn vị phát điện khi mua bán qua đường dây riêng, Điều 6.1 của Dự thảo quy định “công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực”.
Hiện nay, quy hoạch điện lực đang khống chế công suất tối đa phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những lý do quan trọng của điều này là lo ngại ngại công suất điện tái tạo quá lớn nhưng không ổn định sẽ gây tác động tiêu cực cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Tuy nhiên, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết. VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trong trường hợp vẫn có lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện.
Đối với quy định khách hàng sử dụng điện khi mua qua đường dây riêng, Điều 7.2 và Điều 7.3 yêu cầu khách hàng sử dụng điện khi mua điện trực tiếp qua đường dây riêng phải đầu tư hạ tầng lưới điện và có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện.
Việc đầu tư và quản lý, vận hành đường dây truyền tải riêng này có thể thuộc về đơn vị phát điện, cũng có thể thuộc về khách hàng sử dụng điện, tuỳ vào thoả thuận cụ thể giữa hai bên. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng hai bên mua bán điện có quyền thoả thuận về việc đầu tư và quản lý vận hành đường dây.