|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vay trả góp qua thẻ tín dụng: “Thượng đế”, ngân hàng dễ gặp rủi ro

09:00 | 06/11/2016
Chia sẻ
Chương trình cho vay trả góp với lãi suất 0%, trong đó có cả cho vay trả góp qua thẻ tín dụng, có thể đẩy cả khách hàng lẫn ngân hàng vào rủi ro nợ xấu.

Hiện tại, không chỉ ngân hàng, mà các công ty tài chính cũng được phép phát hành thẻ tín dụng. Điểm đáng chú ý là, các ngân hàng và công ty tài chính đang nỗ lực đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cá nhân với mức ưu đãi lãi suất 0%.

Đặc biệt, thẻ tín dụng cũng đủ điều kiện vay tiêu dùng tín chấp tại hầu hết ngân hàng và một số công ty tài chính. Thủ tục vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng nhanh, đơn giản, nên được nhiều đối tượng cá nhân ưa thích.

vay tra gop qua the tin dung thuong de ngan hang de gap rui ro
Việc phát triển thẻ tín dụng thời điểm này còn là lối thoát cho tín dụng của không ít nhà băng

Theo đó, khách hàng chỉ cần photo giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc xác nhận tạm trú, một bản photo mặt trước thẻ tín dụng. Mức vay tối đa đối với thẻ tín dụng tại một số ngân hàng là 160 triệu đồng đối với khách hàng mới và 200 triệu đồng đối với khách hàng đã có giao dịch. Nếu khách hàng sử dụng tiền trong thẻ tín dụng theo quy định 45 ngày trả nợ thì không phải trả lãi. Trường hợp sau 45 ngày, khách hàng không thanh toán và nộp đủ hạn mức đã chi tiêu vào thẻ, thì lãi suất được các ngân hàng áp dụng mức khá cao, phổ biến ở mức 27 - 30%/năm.

Đáng chú ý hơn, với hình thức vay thông qua hình thức thấu chi tài khoản thẻ tín dụng, thời gian vay lên tới 12 tháng, lãi suất cao gấp đôi, gấp ba so với lãi vay tiêu dùng thông thường, song ưu thế là khách hàng được chi vượt số dư có trên tài khoản thanh toán của mình, với hạn mức thấu chi tới 500 triệu đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thẻ tín dụng có nhiều tiện ích và được sử dụng rộng rãi, nhưng trên thực tế, trái ngược với các chương trình cho vay có mức lãi suất thấp, lãi vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng vẫn ở mức rất cao và đang có chiều hướng tăng. Mức lãi suất mà các ngân hàng tại Việt Nam áp dụng cũng rất đa dạng (từ 25% đến 30%/năm), tùy theo từng nhóm ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh niêm yết lãi suất thấp nhất, sau đó đến các ngân hàng cổ phẩn và cao nhất là các ngân hàng nước ngoài.

Theo TS. Hiếu, trên thế giới, lãi suất thẻ tín dụng bao giờ cũng ở mức rất cao so với mặt bằng lãi suất tín dụng thông thường, nhưng không quá chênh lệch như ở Việt Nam.

Trong khi đó, các ngân hàng không chỉ cung cấp cho khách hàng kênh thanh toán hiện đại, mà việc phát triển thẻ tín dụng thời điểm này còn là lối thoát cho tín dụng của không ít nhà băng. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, các ngân hàng không ngừng đưa ra nhiều chiêu hút khách mở thẻ, như miễn phí mở thẻ, miễn phí thường niên…

Trong chừng mực nào đó, việc chi tiêu qua thẻ góp phần kích thích tiêu dùng của xã hội, đồng thời gia tăng tín dụng cho ngân hàng. Mặt khác, cấp tín dụng qua thẻ cũng an toàn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mối lo ngại là nợ xấu từ thẻ tín dụng sẽ tăng trong thời gian tới. Vì vậy, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, không chỉ khách hàng thận trọng khi dùng thẻ tín dụng chi tiêu, thanh toán, mà ngân hàng cũng cần thận trọng khi cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng.

Đáng chú ý là, khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng rất khó xác định chính xác thu nhập trong tương lai. Nếu không tính toán cẩn thận, người vay rất có thể chi tiêu vượt xa khả năng trả nợ của mình, dẫn đến nguy cơ nợ xấu.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, nợ xấu khối tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao hơn so với các loại hình tín dụng thông thường. Vì vậy, các ngân hàng và tổ chức tài chính chỉ nên cấp hạn mức tín dụng tương xứng với mức thu nhập của khách hàng nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Vân Linh