|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP: Xuất khâu tôm dự báo về đích 3,9 tỷ USD năm 2021

14:11 | 10/12/2021
Chia sẻ
VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 nhờ những diễn biến khả quan ở các thị trường nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) giá trị xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10 và tháng 11 sau khi sụt giảm đáng kể trong quý III.

Giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 11 đạt 367 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 nhờ những diễn biến khả quan ở các thị trường nhập khẩu.

Những lực đẩy cho xuất khâu tôm cán đích 4,3 tỷ USD vào năm 2022 - Ảnh 1.

Diễn biến xuất khẩu tôm của Việt Nam 11 tháng đầu năm. (Nguồn: VASEP)

Cụ thể, 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 983,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.  

Xuất khẩu tôm sang Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19.

Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch COVID-19.

Ngoài ra, ngành thủy sản của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11.

Khi nhà cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ gặp khó sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia khác tăng thị phần tại thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Những lực đẩy cho xuất khâu tôm cán đích 4,3 tỷ USD vào năm 2022 - Ảnh 2.

Diễn biến xuất khẩu tôm sang Mỹ 11 tháng đầu năm. (Nguồn: VASEP)

Cũng diễn biến tích cực như thị trường Mỹ, 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang EU đạt 458 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi thế từ EVFTA cùng nhu cầu tiêu dùng trong khối EU với sản phẩm tôm chế biến tăng, đã tạo lực đẩy cho xuất khẩu tôm.

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định bên cạnh yếu tố thị trường, chi phí logistics hạ nhiệt có thể trở thành chất xúc tác quan trọng giúp các doanh nghiệp thủy sản phục hồi lợi nhuận vào năm 2022.

World Composite Index cho biết cước phí vận tải bắt đầu giảm vào tháng 11 sau khi đạt đỉnh vào tháng 9 và tháng 10.

Những lực đẩy cho xuất khâu tôm cán đích 4,3 tỷ USD vào năm 2022 - Ảnh 3.

Chi phí logistics năm 2022 dự kiến sẽ giảm so với năm 2021. (Nguồn: VDSC)

Với đà này, chi phí vận tải hàng hóa năm 2022 sẽ thấp hơn mức năm 2021 nhờ việc giải tỏa tắc nghẽn tại các cảng và cân bằng nguồn cung-cầu hàng hóa.

Dù vậy, ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu biến chủng Omicron bùng phát diện rộng ảnh hưởng mức tiêu thụ ở kênh nhà hàng. Đồng thời, các thị trường có thể đặt những biện pháp phòng dịch, rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Hoàng Anh