Doanh nghiệp thủy sản bị 'trói chân' vì quy định kiểm dịch hàng nhập khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) 6 năm qua, ngành thủy sản gặp khó vì gắn từ "kiểm dịch" với hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Khái niệm này chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra nhà nước với nhóm hàng.
Cụ thể, những sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa "sản phẩm động vật" thuỷ sản (dưới dạng: đông lạnh, hàng khô, nấu chín, ăn liền…) vẫn đang thuộc danh mục phải kiểm dịch. Điều này khiến gần như 100% container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan.
Trong khi, 160 quốc gia nhập khẩu thủy sản của Việt Nam (85% thủy sản đông lạnh, 15% đồ hộp và đồ chế biến cho người) chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật gây hại và kháng sinh, hóa chất.
Từ đó, các lô hàng sản phẩm thủy sản xuất khẩu (của Việt Nam và nhiều nước) được cấp giấy "chứng nhận an toàn thực phẩm (Health Certificate)" chứ không phải là "chứng nhận an toàn dịch bệnh (Veterinary Certificate)".
Việc duy trì "hàng chế biến" làm thực phẩm phải kiểm dịch là biện pháp không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, làm giảm đi năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản, của quốc gia và khiến doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí, thời gian và cơ hội.
Do đó, VASEP đề nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT xem xét bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.
Đồng thời, bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam, gồm hàng đông lạnh và hàng khô dùng làm thực phẩm cho người.
Một yếu tố quan trọng khác là tối ưu hoá các quy định về kiểm dịch với thuỷ sản sống, tươi, ướp lạnh là đối tượng chủ yếu lây lan dịch bệnh thủy sản theo nguyên tắc vệ sinh thú y của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và quy định kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ.
Từ đó, đánh giá nguy cơ đối với từng dòng hàng và lịch sử tuân thủ của các doanh nghiệp, không kiểm "dàn hàng ngang" 100%.
VASEP cho rằng việc phân định rõ hoạt động kiểm tra nhập khẩu phù hợp với các danh mục sản phẩm cần được thực hiện trong quý I/2022 và số hóa thủ tục sẽ giúp doanh nghiệp thủy sản giảm bớt gánh nặng, tập trung sản xuất va xuất khẩu.