Xuất khẩu tôm tháng 10 hồi phục, doanh nghiệp chạy đua cho mục tiêu 3,8 tỷ USD
Xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU tăng trưởng tốt
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 10, xuất khẩu tôm dần hồi phục sau khi giảm mạnh vào tháng 8,9. Kim ngạch xuất khẩu đạt 425 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 327 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 77% kim ngạch xuất khẩu tôm. Còn lại, giá trị xuất khẩu tôm sú và tôm biển chiếm 23%.
VASEP thống kê xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc đều tăng trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm.
Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 118 triệu USD, tăng 19% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 893 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới.
Trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9.
Thị trường Mỹ khá ưa chuộng sản phẩm tôm cỡ lớn, tôm thịt tươi/đông lạnh (PD) của Việt Nam. VASEP dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tiến triển tích cực, đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022.
Cùng chiều với Mỹ, xuất khẩu tôm sang EU đạt 74 triệu USD, tăng 13% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 482 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm sang EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU trong những tháng cuối năm nay dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
VASEP nhận định kinh tế EU đang trên đà hồi phục và được dự báo trở lại bình thường từ năm 2022.
Để khôi phục kinh tế hậu COVID-19, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Những tháng cuối năm nay, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng. Đây là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam sang EU.
Lực cản từ chính sách kiểm dịch của Trung Quốc
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 43,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 341,5 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho rằng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc lao dốc do chính sách kiểm dịch COVID-19 trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu quá chặt chẽ, gây đình trệ hoạt động thông quan.
Ngoài ra, ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng giảm bởi dịch COVID-19 nên nước này tìm cách hạn chế nhập khẩu, bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản nội địa.
Tại Việt Nam, sau nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9, doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại khu vực ĐBSCL lại có xu hướng tăng khiến doanh nghiệp thêm phần áp lực.
VASEP cho rằng doanh nghiệp đang chạy đua cho mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD, Nhà nước cần phủ sóng vắc xin hai mũi cho người lao động, có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi công suất tối đa, tận dụng được các cơ hội từ thị trường.