|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP: Vị thế của EU ngày càng thu hẹp trong các thị trường tiêu thụ thuỷ sản của Việt Nam vì thẻ vàng IUU

11:38 | 26/10/2022
Chia sẻ
VASEP cho rằng dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thuỷ sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU.

Những ngày cuối tháng 10/2022, ngành thuỷ sản Việt Nam theo dõi sát sự kiện Phái đoàn thanh tra EU sang kiểm tra thực tế ngành khai thác hải sản Việt Nam thực hiện các khuyến nghị chống khai thác IUU như thế nào, có những cải thiện nào đáng ghi nhận. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong bối cảnh của một năm đầy biến động như chiến sự, lạm phát, mất giá tiền tệ, mối quan ngại của doanh nghiệp thuỷ sản càng thêm nặng nề, nếu thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ hoặc xảy ra tình thế xấu hơn đối với ngành khai thác thuỷ sản Việt Nam nếu bị cảnh báo thẻ đỏ.

Sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng, EU đang ở vị trí nào trong bức tranh xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam?

Theo thống kê của Hải quan, đến hết quý III năm nay, khối thị trường EU27 chiếm 12% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, đứng thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc – Hong Kong. Trong bức tranh xuất khẩu giá trị 8,5 tỷ USD, thị trường EU cũng đóng góp 1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tính đến hết quý III, với 272 triệu USD, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác biển chỉ chiếm 26% giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU, tăng 29%. Trong khi đó, xuất khẩu thuỷ sản nuôi trồng sang thị trường này chiếm 74% với 771 triệu USD, tăng mạnh 45%. 

Ảnh hưởng của thẻ vàng IUU càng rõ nét trong năm nay, khi xung đột Nga – Ukraine khiến cho giá xăng dầu tăng vọt, ngư dân các tỉnh ven biển không thể ra khơi. Nguyên liệu khai thác vốn khan hiếm lại càng bị thắt chặt và riêng cho thị trường EU còn thiếu hụt hơn nữa vì những thủ tục làm giấy xác nhận, chứng nhận bất cập và khó khăn.

Do vậy, riêng với sản phẩm hải sản khai thác, trong 9 tháng đầu năm nay, EU chỉ chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu. So với các thị trường và nhóm thị trường chính nhập khẩu hải sản khai thác của Việt Nam, thị trường EU chiếm tỷ trọng thấp nhất.

Tính đến hết quý III năm nay, xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam đã mang về trên 3,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, chiếm 23% với 795 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.

Thị trường Mỹ đứng thứ hai, chiếm trên 19% với 655 triệu USD, cao hơn 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất, gấp hơn 2 lần với trên 470 triệu USD và là thị trường lớn thứ 3. Hàn Quốc cũng nhập khẩu hải sản Việt Nam nhiều hơn EU với gần 380 triệu USD, tăng 20%.

"Như vậy, dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thuỷ sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU", VASEP nhận định.

Các sản phẩm hải sản khai thác chính xuất khẩu sang thị trường EU trong 9 tháng đầu năm gồm cá ngừ, mực, bạch tuộc, điệp, cá tuyết, ghẹ…Nhìn chung giá trị xuất khẩu các loài này đều cao hơn so với cùng kỳ.

EU và nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản đang ngấm đòn nặng nề bởi lạm phát. Bắt đầu vào những tháng cuối năm, giá cả hàng hoá và sinh hoạt đều tăng, do vậy người tiêu dùng phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu.

Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU cũng như một số thị trường lớn khác bắt đầu chững lại từ tháng 9 và sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong những tháng cuối năm. Đơn hàng nhập khẩu mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó cho nhà xuất khẩu.

VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD đưa kết quả cả năm 2022 lên khoảng 10,7 – 10,8 tỷ USD, và mục tiêu 10 tỷ USD dự kiến sẽ đạt được vào cuối tháng 11. Trong đó, thị trường EU dự kiến đạt khoảng 1,3 tỷ USD năm 2022. 

H.Mĩ