|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vào CPTPP, doanh nghiệp gỗ Việt phải thay đổi tư duy kiếm tiền

07:12 | 26/02/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp gỗ Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lãi sang xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Năm vừa qua, ngành gỗ Việt Nam vừa xuất khẩu đạt hơn 9 tỷ USD, xuất siêu hơn 7 tỷ USD. Năm nay, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, các doanh nghiệp ngành gỗ kỳ vọng CPTPP sẽ tạo ra làn gió mới để ngành gỗ xác lập vị thế vững mạnh trên thị trường thế giới.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru…

vao cptpp doanh nghiep go viet phai thay doi tu duy kiem tien
Năm 2019 sẽ là năm để ngành gỗ có nhiều bứt phá và hưởng lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP. (Ảnh minh họa)

Gia nhập CPTPP là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành gỗ thúc đẩy xuất khẩu nhờ các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thị trường được mở rộng, từ đó giúp sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước tham gia CPTPP.

Bên cạnh cơ hội, triển vọng từ các thị trường rộng lớn, khi CPTPP có hiệu lực, còn giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển được thuận lợi hơn, khi thuế hạ xuống.

Phải đảm bảo nguồn gỗ “sạch”

Khẳng định ngành gỗ sẽ được hưởng lợi lớn từ CPTPP, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho hay, việc xâm nhập vào thị trường có nguồn nhập khẩu cũng như xuất khẩu lớn như Canada, Nhật Bản, Australia… sẽ giúp Việt Nam vừa mở rộng được thị trường và thị phần.

Tuy nhiên, khi vào CPTPP, nguyên liệu đầu vào của ngành gỗ phải đảm bảo nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, phải đạt yêu cầu chứng nhận về nguồn gốc gỗ hợp pháp mới được hưởng những ưu đãi từ hiệp định này, ông Quyền lưu ý.

Trên thực tế, phần lớn nguyên liệu gỗ cho sản sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoặc không thuộc các nước trong khối CPTPP hoặc đến từ những khu vực có rủi ro pháp lý cao.

Tổng thư ký VIFFORES cho rằng, một thách thức mới cho ngành gỗ Việt khi gia nhập CPTPP đó là sự hiểu biết của người dân về gỗ hợp pháp. Trong thực thi CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác không chỉ các doanh nghiệp gỗ, mà còn hộ gia đình trồng rừng, thương mại gỗ, vận tải gỗ, thương lái gỗ, chế biến gỗ… nhưng hiểu biết của họ về vấn đề này là rất hạn chế. “Khi tôi hỏi một hộ gia đình trồng rừng ở Yên Bái có biết gỗ nào là gỗ hợp pháp, gỗ nào là gỗ trồng rừng không, thì họ không biết và chỉ cần có người mua là bán”, ông Quyền chia sẻ.

Cần tạo dựng thương hiệu riêng

Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty AA, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lãi sang xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Với CPTPP, ngành gỗ sẽ có thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam. Nhiều cơ hội về thị trường đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing… được hội tụ về Việt Nam. Những lực đẩy từ nhu cầu thế giới sẽ sớm đòi hỏi ngành chế biến gỗ Việt Nam phải phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu mới, ông Khanh chia sẻ.

Theo nhận định của Chủ tịch HAWA, năm 2019 là thời điểm của ngành công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam, hội tụ các yếu tố cần thiết để tạo ra sự đột phá, trở thành ngành mũi nhọn và hướng tới sự hình thành trung tâm gỗ - nội thất của thế giới tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn dàn mới đây về về công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam đã đứng đầu ASEAN, đứng thứ nhì châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ rừng trồng, với một số sản phẩm có thiết kế mẫu mã tốt, được thị trường khó tính chấp nhận.

Thủ tướng kỳ vọng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Ước tính, nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỷ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 của ngành gỗ Việt Nam ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm trước đó. Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 là 11 tỷ USD./.

Xem thêm

Trần Ngọc