'Vàng thử lửa' trên thị trường hàng hóa toàn cầu năm 2022
Tiếp sau xu hướng giá năng lượng tăng mạnh mẽ đã khiến chỉ số lạm phát liên tiếp ghi nhận kỷ lục mới trong năm nay, những ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 được cho là sẽ tiếp tục gây ra biến động thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2021, thị trường dầu mỏ dường như đã phát đi những dấu hiệu khởi sắc nhất định, trong khi thị trường kim loại quý lại cho thấy dấu hiệu hụt hơi.
Noel Dixon, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu của công ty dịch vụ tài chính State Street, nhận định: “Năm 2022 sẽ là một năm khó khăn hơn đối với thị trường hàng hóa vì các ngân hàng trung ương toàn cầu đang thắt chặt chính sách (để phản ứng với môi trường lạm phát đang tăng cao)”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng tình trạng lạm phát được gây ra bởi sự thiếu hụt nguồn cung là yếu tố mà các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát. Bởi vậy, họ đang đối mặt với nguy cơ đưa ra sai lầm chính sách và tác động tiêu cực đến nhu cầu.
Nhìn chung, thị trường hàng hóa năm nay chuyển động khá tốt. Chỉ số S&P GSCI (chỉ số theo dõi giá hàng hóa bao gồm 24 hợp đồng tương lai được giao dịch trên 5 lĩnh vực hàng hóa vật chất) đã tăng trên 30% kể từ ngày 14/12 và đang trên đà hướng tới mức tăng theo năm lớn nhất trong 12 năm.
Hướng đến năm 2022, Eliot Geller, đối tác của công ty dịch vụ CoreCoodity Management, nhận định đối với những mặt hàng có mức tăng giá lớn nhất trong năm 2021.
Liệu rằng khi các yếu tố như hàng tồn kho thấp và chi tiêu vốn giảm tiếp tục kéo dài thì nguồn cung có đủ “để đáp ứng nhu cầu đang trỗi dậy hay không”?
Nếu câu trả lời là không, môi trường giá sẽ tiếp tục được đẩy lên cao hơn và một số yếu tố góp phần dẫn đến đà tăng này (như sự khan hiếm nguồn cung, chi phí sản xuất tăng và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp) trong một số trường hợp sẽ tăng tốc vào năm 2022, ông Eliot Geller cho biết.
Triển vọng thị trường kim loại quý và năng lượng: Chuyển động cùng chiều
Trái ngược với xu hướng tăng của các chỉ số phụ S&P GSCI trong năm 2021, chỉ số S&P GSCI kim loại quý (SPGSPM) lại giảm gần 7%.
Chuyên gia Dixon nói: “Khi ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu thắt chặt các chính sách nới lỏng, lãi suất sẽ tăng lên, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn”.
Geetesh Bhardwaj, Giám đốc nghiên cứu của công ty quản lý tài sản SummerHaven Investment Management, cho biết chuyển động của giá vàng trong năm 2022 sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà biến thể Omicron ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại toàn cầu.
Theo chuyên gia này, “với việc lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức cao hơn dự kiến của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nếu triển vọng tăng trưởng bị ảnh hưởng tiêu cực, thị trường vàng sẽ có lực đỡ”.
Vào ngày 15/12, Fed cho biết họ sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu sớm hơn so với kế hoạch trước đó và đưa ra lộ trình 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022 để kiềm chế môi trường lạm phát cao.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích tại hãng quản lý tài sản Kopernik Global Investors Taylor McKenna lại chỉ ra rằng thị trường vàng đã đi xuống trong năm nay bất chấp việc kinh tế thế giới ghi nhận các chỉ số lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Ông McKenna cho rằng vàng đang được giao dịch ở dưới ngưỡng mà các yếu tố cơ bản về dài hạn đang hướng tới.
Chuyên gia này cho biết thêm rằng Kopernik ước tính giá giao dịch “hợp lý” của vàng vào khoảng 2.000 USD/ounce. Điều này có nghĩa là giá vàng sẽ tăng trong thời gian tới.
Đối với thị trường năng lượng, mặc dù giá các hợp đồng tương lai giao dịch khí tự nhiên đã giảm gần 40% trong quý IV, nhưng triển vọng vẫn khá tích cực nhờ nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh từ châu Âu và châu Á, trong khi dòng chảy từ Nga sang Liên minh Châu Âu (EU) bị hạn chế và hoạt động sản xuất của Mỹ chậm lại.
Trong khi đó, thị trường dầu mỏ đã trở lại mạnh mẽ sau đợt rớt giá lịch sử vào tháng 4/2020. Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng khoảng 47% trong năm nay.
Tuy nhiên, các yếu tố như triển vọng nhu cầu không chắc chắn và sự lan rộng các biến thể của virus SARS-CoV-2 là lý do chính khiến các nhà sản xuất dầu như Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định “để ngỏ” kế hoạch điều chỉnh thỏa thuận sản xuất dầu.
Chuyên gia Dixon cho rằng trong bối cảnh thị trường năng lượng đang ở trong một thời kỳ kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và nguồn cung hạn chế, các dự báo của State Street trong năm 2022 được duy trì ở trạng thái trung lập.
Tuy nhiên, kịch bản tăng giá được đánh giá cao hơn do những hạn chế về nguồn cung từ phía các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể trở nên “trầm trọng hơn” khi đại dịch COVID-19 khiến giới đầu tư cảm thấy sự bất ổn về nhu cầu, và với những câu hỏi về công suất sản xuất dầu dự phòng của OPEC+, ông Dixon nói.
Theo chuyên gia này, mặc dù Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính công suất sản xuất dôi dư của OPEC+ ở mức 5,1 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2022, song con số này là "quá lớn".
Ngoài ra, chuyên gia Dixon cho biết thị trường khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục thắt chặt và giá có thể sẽ tăng trong năm tới, với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), khu vực đã trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm nay, được cho là yếu tố có thể tác động đến môi trường giá cả do "các nhà cung cấp chính vẫn còn công suất sản xuất".
Triển vọng các thị trường hàng hoá khác: Những yếu tố khó lường
Trong số các mặt hàng nông nghiệp, giá yến mạch có mức tăng lớn nhất - khoảng 96% trong năm nay - trong khi giá cà phê kỳ hạn cũng tăng hơn 85%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là người nông dân có xu hướng trồng ít yến mạch hơn, trong khi các vùng trồng trọt trọng điểm như Bắc Dakota và Canada Prairies trải qua điều kiện thời tiết rất khô hạn.
Đối với cà phê, “đợt sương giá tồi tệ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ đã tàn phá mùa màng ở Brazil và tiềm năng sản suất trong thời gian tới”, ông Dixon cho biết.
Trong khi đó, sự chuyển động ngược chiều giữa giá thép và giá quặng sắt được cho là khá “khó hiểu”.
Ông Dixon nhận định, các mức thuế do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với thép nhập khẩu và nhu cầu bị dồn nén có thể là nguyên nhân khiến giá thép tăng cao hơn. Giá thép cuộn cán nóng ở khu vực Trung Tây nước Mỹ đã tăng đến 67% tính đến thời điểm hiện tại.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt giảm nhiều khả năng là do lo ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia, quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất.
Cùng với đó, cuộc khủng hoảng tài chính của tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Evergrande cũng làm dấy lên những lo ngại về triển vọng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thô.
Công ty State Street đưa ra dự báo “trung lập” về triển vọng giá quặng sắt trước những tin tức gần đây cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường hỗ trợ tài khóa. Theo tổ chức này, động thái đó nhiều khả năng sẽ không tác động đến giá của sản phẩm.
Bất chấp những khó khăn bao gồm cú sốc về nhu cầu nếu các hạn chế tiêu dùng hoặc kinh doanh được áp đặt trở lại do sự lan rộng của biến thể Omicron hoặc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại hơn nữa, công ty quản lý tài sản SummerHaven vẫn lạc quan về triển vọng thị trường hàng hóa trong dài hạn.
Bởi các yếu tố đang được chú trọng như “công nghệ chuyển đổi năng lượng, đầu tư hạ tầng và chính sách khí hậu” sẽ giúp thúc đẩy thị trường này.
Tuy nhiên, rủi ro thực sự đối với thị trường hàng hóa sẽ là nhu cầu, Giám đốc Neuberger Berman nhận định. Ông nói, việc Fed cắt giảm chương trình mua tài sản và việc lãi suất tăng không có khả năng khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.
Ngoài ra, nếu một đột biến khác của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và gây ra những hiệu ứng tiêu cực trên diện rộng, nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục lao dốc.