Vân Đồn sau quyết định điều chỉnh qui hoạch: Giá đất liệu có tái diễn sốt ảo?
Thị trường bất động sản (BĐS) Quảng Ninh, đặc biệt là huyện đảo Vân Đồn những năm gần đây đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng ở nhiều phân khúc, cùng với đó là sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn.
Cơ sở hạ tầng, giao thông tại Vân Đồn hiện đang phát triển tương đối hoàn thiện và đồng bộ. Đơn cử, sân bay Vân Đồn chính thức khai trương hồi cuối năm 2018 đã tạo nên một diện mạo hoàn chỉnh hơn cho huyện đảo này.
Việc thông suốt tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn là mắt xích quan trọng tạo liên kết vùng mạnh mẽ ở khu vực "tam giác vàng" BĐS du lịch, nghỉ dưỡng miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Vân Đồn chỉ còn khoảng 2,5 giờ.
Ngoài ra, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km cũng đang được triển khai và là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện tuyến giao thông gắn kết Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, cửa ngõ nối Trung Quốc với ASEAN, với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Với những thuận lợi trên, thị trường BĐS Vân Đồn đang được đánh giá có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển trong tương lai.
Thêm vào đó, mới đây (ngày 17/2), Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định chính thức phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Theo đó, Vân Đồn sẽ trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp.
Quyết định này sẽ là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh hoạch định các dự án đã đầu tư và kêu gọi đầu tư. Không ít nhà đầu tư cũng đang chờ đợi qui hoạch này để quyết định "rót vốn" vào Vân Đồn. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lí quan trọng để các doanh nghiệp địa ốc hiện thực hóa các ý tưởng đầu tư.
Trên thực tế, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Sun Group, CEO Group, FLC, HD Mon, Doji… đã có một cuộc "viễn chinh" về Vân Đồn và đang bắt tay nghiên cứu loạt dự án qui mô lớn.
Chẳng hạn, Sun Group hiện đang nghiên cứu triển khai dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; Tập đoàn FLC đang nghiên cứu dự án Khu công nghiệp dược công nghệ cao, Tập đoàn Doji đang nghiên cứu dự án khu đô thị tại phân khu 2,3 thuộc Khu đô thị Cái Rồng, CTCP Eurowindow sẽ điều chỉnh và mở rộng Khu đô thị ven biển thị trấn Cái Rồng, CTCP Ngọc Trai Long Beach sẽ đầu tư Khu tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ giải trí, chợ đêm,...
Hạ tầng đến đâu, giá đất tăng đến đó
Trên thực tế, trước khi chứng kiến sự phát triển ổn định như hiện nay, thị trường BĐS Vân Đồn từng trải qua nhiều phen "hỗn loạn" bởi các cơn sốt đất.
Điển hình nhất phải kể đến cơn sốt đất vào cuối năm 2017 khi có thông tin Vân Đồn chuẩn bị được qui hoạch trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế. Tiếp đó, đầu tháng 1/2018, ngay sau khi lệnh tạm dừng các giao dịch đất đai được chính quyền huyện Vân Đồn gỡ bỏ, nhiều nhà đầu tư lớn đã ngay lập tức quay trở lại khiến các giao dịch BĐS trở nên sôi động.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, thông tin Vân Đồn được phê duyệt trở thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino sẽ là "chất xúc tác" giúp thị trường BĐS của huyện đảo này "nóng" trở lại.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Phong, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Vân Đồn Star cho biết, sau khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn, lượng giao dịch tại Vân Đồn ngay lập tức tăng nhanh.
Uớc tính đã có khoảng 100 giao dịch, trong khi thời điểm trước tết thị trường gần như không có giao dịch. Ngoài ra, lượng người quan tâm đến BĐS Vân Đồn cũng đã tăng khoảng 20 - 30%.
"Sau khi có thông tin qui hoạch Vân Đồn, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường khu vực này nhưng cũng chỉ gọi điện trao đổi qua điện thoại hoặc qua các kênh online chứ không có mấy người đến xem tận dự án bởi họ lo ngại dịch COVID-19. Nhiều khách hàng trước đó đã hẹn nhưng lại đồng loạt hủy", ông Phong cho biết.
Về nguồn cung trong năm 2020, theo vị này, hiện đang có khoảng vài nghìn lô đất nhưng tập trung chính ở Khu đô thị Phương Đông. Bởi dự án này đã được phê duyệt từ năm 2011 nên đã đủ điều kiện bán đất nền. Còn lại cái dự án khác phải xây mới được bán.
Giá đất ở Phương Đông hiện dao động từ 22-32 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1,9 - 2,6 tỉ đồng/lô, vị này cho hay.
Cũng theo ông Phong, tại các khu vực khác như trục đường 334 hiện không có nhiều giao dịch. Bởi so với dự án Phương Đông, hạ tầng xung quanh đã hoàn thiện hơn và có nhiều dịch vụ, có nhiều ô nhỏ vừa tầm tiền. Còn tại trục đường 334, nhà đầu tư phổ thông rất khó để tìm những ô có diện tích tầm 80 – 90 m2.
Nói về biến động giá đất sau khi có quyết định duyệt qui hoạch chung, ông Phong cho biết, đất nền dự án Phương Đông mới chỉ tăng trưởng từ nửa đến một giá so với thời điểm trước Tết, còn các khu vực khác vẫn chưa có gì thay đổi.
"Nói chung, giá đất Vân Đồn chưa có sự tăng trưởng, chỉ có thanh khoản và giao dịch là tốt lên", vị này cho hay.
Theo ông Phong, nếu so với Phú Quốc thì huyện đảo có nhiều tiềm năng nghỉ dưỡng hơn Vân Đồn. Nhưng Vân Đồn tương lai sẽ là khu kinh tế biển đa ngành, du lịch chỉ là một phần. Vân Đồn sắp tới sẽ phát triển đa dạng hơn Phú Quốc bởi Vân Đồn có khu phi thuế quan, có cảng biển, cao tốc,…
Ông Phong cho rằng, trong năm nay, giá đất tại Vân Đồn sẽ tăng trưởng theo hạ tầng chứ không sốt cục bộ như trước đây. Bởi hiện nay, lượng tiền đang đổ vào Vân Đồn để đầu tư là rất lớn, do đó hạ tầng đến đâu thì giá đất sẽ tăng đến đó.