Các nước Châu Á ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Huawei
Đứng hút thuốc lá bên ngoài hành lang khách sạn Shangri-La tại Singapore, một nhóm tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cảm thấy vô cùng thoải mái vì tình hình đang bất ngờ diễn biến tích cực.
Tại diễn đàn Shangri-La 2019 – nơi diễn ra cuộc Đối thoại thường niên về quốc phòng quan trọng nhất Châu Á – phái đoàn Trung Quốc dự đoán tình hình cũng giống như tại các sự kiện trước đây: Mỹ và các nước đồng minh sẽ hùa vào với nhau công kích Trung Quốc, buộc nước này phải đơn thương độc mã phản bác hàng loạt những phàn nàn, cáo buộc.
Nhưng năm nay, giữa bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đoàn đại diện của quân đội Trung Quốc nhận thấy các lãnh đạo của khu vực Châu Á đều lên tiếng phê phán cuộc tấn công của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Trung Quốc.
Các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc tại Shangri-La, Singapore. Ảnh: Bloomberg/AFP
Tờ Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Singapore Lí Hiển Long khởi đầu cho luồng quan điểm này trong bài phát biểu khai mạc của mình, ông kêu gọi Mỹ hãy chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng thời hạ thấp mối lo ngại về tập đoàn viễn thông Huawei Technologies.
Một bộ trưởng của Myanamar thì cho rằng cảnh báo của Mỹ về chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đã thổi phồng thực tế. Và hầu như tất cả đại diện các nước tham dự đều bày tỏ mong muốn chấm dứt chiến tranh thương mại.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore – ông Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-La: "Tôi nghĩ trật tự thế giới đang bị đe dọa. Trật tự này tuy không hoàn hảo nhưng cũng đã đảm bảo môi trường hòa bình và tiến bộ trong 70 năm qua. Phá vỡ trật tự thế giới này chỉ vì những tranh chấp nhỏ nhặt cũng giống như hất đi cả đứa trẻ lẫn chậu nước tắm chỉ vì nước đã bẩn – một hành động rất ngu xuẩn".
Cuộc chiến "danh sách đen"
Châu Á hiện đang ngày càng lo ngại nguy cơ một cuộc chạm trán giữa các siêu cường kinh tế có thể làm tổn hại các quốc gia nhỏ hơn theo kiểu "trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết". Nguyên nhân là đa số các nước nhỏ này phụ thuộc vào năng lực xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu người dân.
Đúng là nhiều quốc gia châu Á coi Mỹ là thế lực cần thiết để kiểm soát tham vọng quyền lực của Trung Quốc, nhưng các nước này cũng lo rằng Tổng thống Donald Trump đang đi quá xa trong nỗ lực ngăn cản sự trỗi dậy của đất nước 1,4 tỉ dân.
Tháng trước, Tổng thống Trump đưa Huawei – một trong những doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược bậc nhất của Trung Quốc – vào danh sách đen bị cấm làm ăn với công ty Mỹ. Quyết định này đã làm náo loạn các thị trường trên khắp thế giới, vốn vẫn đang cố "tiêu hóa" tác động của những lần nâng thuế quan hơn 1 năm qua làm chuỗi cung ứng toàn cầu phải lung lay.
Đáp trả hành động này của Mỹ, Trung Quốc cũng lên tiếng đang soạn thảo một danh sách đen các thực thể bị cho là "không đáng tin cậy" gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc cũng như an ninh quốc gia của nước này.
Bản danh sách có thể ảnh hưởng tới hàng nghìn doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các tập đoàn Mỹ như Intel, Qualcomm, Microsoft, … đến những doanh nghiệp nước khác đã cắt đứt quan hệ làm ăn với Huawei vì lệnh cấm của ông Trump như Toshiba, ARM, … Mới đây nhất, Trung Quốc tuyên bố đang điều tra công ty giao vận FedEx của Mỹ sau khi hãng này tự ý chuyển hai bưu phẩm gửi cho Huawei ở Trung Quốc sang Mỹ. FedEx đã có lời công khai xin lỗi Huawei.
Đứng giữa "mưa bom bão đạn" của cuộc chiến thương mại ác liệt này là những quốc gia chịu áp lực từ phía Mỹ về việc không được dùng thiết bị của Huawei trong mạng 5G và những nước nhận tiền của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng như các cảng biển nước sâu hoặc đường sắt cao tốc.
Thế khó của những nước này là: Làm thế nào để họ có thể đi lên trong chuỗi giá trị và tạo ra tăng trưởng trong tương lai?
"Một số, thậm chí là tất cả quốc gia trong khu vực đều lo ngại về nguy cơ mất an toàn khi sử dụng thiết bị của Huawei, nhưng ngoài ra còn có những vấn đề rất thực dụng khác cần xem xét", ông Collin Koh Swee Lean – chuyên gia nghiên cứu tại Rajaratnam School of International Studies của Singapore nhận định. "Đặc biệt trên khía cạnh chi phí, những lời mời chào phát triển hạ tầng của Trung Quốc luôn hấp dẫn hơn nhiều các nước khác".
Theo Bloomberg, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cố gắng xua đi lo ngại này trong bài phát biểu của mình bằng cách đề cập rằng nước Mỹ đã tăng gấp đôi giá trị một chương trình phát triển hạ tầng lên 60 tỉ USD để cạnh tranh với Trung Quốc.
Ông đưa ra hai hình ảnh so sánh tương phản: Chương trình phát triển hạ tầng của Mỹ là nhằm hướng đến một khu vực "tự do và mở cửa" còn một chương trình khác thì mang tính chất "quyền lực quyết định vị thế và gánh nặng nợ nần quyết định số phận".
Tuy nhiên đối với nhiều quốc gia Châu Á, nguồn vốn từ Mỹ không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của họ và thường kèm theo quá nhiều điều kiện ràng buộc.
Chẳng hạn, Myanamr nhận thấy rằng Trung Quốc là nước duy nhất sẵn sàng tài trợ vốn cho một dự án cảng biển nước sâu và một khu công nghiệp trên bờ biển của nước này gần Bangladesh.
"Suy cho cùng, việc chấp nhận hay không chấp nhận những gói tài trợ vốn này là quyết định của nước chủ nhà, không phải của Bắc Kinh", ông Thaung Tun – cố vấn an ninh quốc gia Myanmar nói, tỏ ý phản đối quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ "dìm" các quốc gia khác trong "bể nợ" để đạt được lợi thế chiến lược.
"Những bước tiến vĩ đại"
"Myanmar đang tìm kiếm những đối tác có thể giúp chúng tôi thực hiện những bước tiến vĩ đại. Và hiện nay, nguồn vốn lại không đến từ Ngân hàng Thế giới hay các tổ chức tài chính khác", ông Thaung Tun sau đó nói thêm trong một cuộc phỏng vấn.
Những toan tính tương tự cũng được áp dụng trong vấn đề Huawei. Các quốc gia trên khắp thế giới đang có kế hoạch xây dựng mạng 5G để kết nối nền kinh tế hiện đại, cho phép sự vận hành của đủ thứ sản phẩm tối tân từ xe tự lái, nhà thông minh đến thuốc cao cấp.
Bà Andrea L. Thompson - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tham dự cuộc Đối thoại tại Singapore cho biết: Để thuyết phục các quốc gia trong khu vực tránh dùng thiết bị của Huawei sẽ "rất mất thời gian".
"Việc Huawei luôn có giá bỏ thầu thấp nhất là có lí do của nó: Doanh nghiệp này được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Nếu tham rẻ thì tức là nước bạn đã đẩy mạng viễn thông của mình vào vòng nguy hiểm", bà Thompson trả lời phỏng vấn báo chí.
Đến nay, các nước châu Á vẫn chưa bị thuyết phục bởi lập luận này của Mỹ. Tuần trước, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lên tiếng khen ngợi Huawei, ông cho rằng Huawei "tiến bộ vượt trội so với công nghệ Mỹ" và khẳng định Malaysia sẽ sử dụng công nghệ của Huawei nhiều nhất có thể.
Hôm 2/6, một quan chức Philippine nói rằng tập đoàn Apple của Mỹ có thể cũng tồn tại những rủi ro an ninh không kém gì Huawei.
"Lúc này chúng ta không thể biết chắc được chuyện gì hết", ông Rufino Lopez Jr. – Phó Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippine nói trong một cuộc phỏng vấn.
Các quốc gia châu Á vẫn đang nghe ngóng thông tin về Huawei từ phía Mỹ nhưng mỗi nước lại đưa ra những nhận định rất khác nhau. Ông David Gordon – Cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ nói: "Nước Mỹ muốn các quốc gia khác tuyên bố: Chúng ta phải tránh xa Huawei. Nhưng trong thực tế, các nước chỉ nói: Chúng ta cần theo dõi tình hình, cần hành động thận trọng, cần giảm thiểu rủi ro".
Nói như vậy không có nghĩa là các nước châu Á đang giang rộng vòng tay chào đón Trung Quốc. Đại diện nhiều nước có mặt tại Shangri-La vẫn lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc tại vùng biển đang tranh chấp, đặc biệt là những động thái có khả năng gây trở ngại tự do hàng hải.