'Vẫn chưa có dấu hiệu tiêu dùng trong nước sẽ hồi phục trở lại nhanh như trước đây'
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ tháng 11/2023 ước đạt 553.000 tỷ, tăng 1,4% so với tháng trước, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 1,4% so với tháng trước, tăng 9,1% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Dịch vụ lữ hành giảm 5,5% so với tháng trước và tăng 70,9% so với cùng kỳ; dịch vụ khác tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá tổng mức bán lẻ tháng 11 tiếp tục đà tăng trưởng so với cả tháng trước lẫn cùng kỳ nhưng tốc độ tăng là vẫn chậm. Mức tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ là tích cực nhưng là trên mức nền thấp cùng kỳ tháng 11/2022. Sự chậm lại thể hiện ở cả 4 nhóm bán lẻ .
"Chúng tôi vẫn cho rằng lý do bán lẻ vẫn tăng trưởng chậm là do người tiêu dùng vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu hơn do bị ảnh hưởng thời gian qua; người dân tăng gửi tiết kiệm tiền; đang gần đến Tết và người dân càng có tâm lý tiết kiệm tài chính cho Tết", nhóm phân tích nhận định.
Yuanta Việt Nam vẫn giữ quan điểm tích cực về tiềm năng mạnh mẽ của ngành bán lẻ trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây lưu ý đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy ngành bán lẻ sẽ hồi phục trở lại nhanh như trước đây (trên 10% so với cùng kỳ).
"Chúng tôi cho rằng sẽ cần thêm thời gian để nền kinh tế hồi phục, nhu cầu lao động cũng như sức mua người tiêu dùng thật sự quay lại tốc độ tăng trưởng nhanh như trước đây. Chúng tôi cho rằng tổng mức bán lẻ vẫn chưa thể hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn", báo cáo nêu.
Trước đó hồi tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lưu ý doanh số bán lẻ hàng hoá khác (hàng chăm sóc cơ thể, đồ trang sức, đồng hồ đeo tay, dịch vụ cắt tóc, gội đầu,...) được xem là một chỉ báo việc người dân đang nới lỏng hay tiết kiệm chi tiêu đã không tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể chỉ tăng 0,19% so với cùng kỳ trong tháng 10, trước đó tháng 9 tăng 0,21%.
Xét giai đoạn từ năm 2013 đến nay, chỉ số này cũng chưa từng xuống thấp như vậy ngoại trừ trong hai năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên chỉ số của nhóm này đã tăng trở lại lên mức 7,3% so với cùng kỳ trong tháng 11.
Tại hội thảo cuối tháng 11, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng lưu ý tốc độ tăng trưởng của khu vực tiêu dùng đang chậm lại.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; đến 9 tháng đầu năm tăng 9,7%; 10 tháng đầu năm, chỉ số này chỉ còn tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cầu tiêu dùng nội địa đang hồi phục nhưng vẫn còn yếu do vấn đề việc làm và lãi suất tiết kiệm thấp.
"Môi trường lãi suất tiết kiệm thấp và hạn chế tín dụng dẫn đến chi tiêu giảm đã tác động đến cầu tiêu dùng và doanh thu bán lẻ. Ngoài ra thu nhập người dân bị ảnh hưởng, một phần vì hệ lụy cắt giảm đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, những diễn biến tiêu cực gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng gây ra những hệ lụy nhất định", Chủ tịch FiinGroup nói.