|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vẫn cần... đăng kí doanh nghiệp

15:38 | 17/08/2019
Chia sẻ
"Dù thủ tục đăng ký doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, phức tạp, song việc đăng ký doanh nghiệp nên áp dụng theo Luật Doanh nghiệp và nên bỏ các quy định này trong các luật chuyên ngành".
Vẫn cần... đăng kí doanh nghiệp - Ảnh 1.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO khẳng định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Mới đây, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Điều 3 về áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành, theo hướng: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp”.

- Hiện có 2 luồng ý kiến liên quan đến quy định này đó là, giữ nguyên như Luật hiện hành và sửa đổi Điều 3 để tách quản lý chuyên ngành ra khỏi đăng ký doanh nghiệp, xin Luật sư cho biết quan điểm của mình?

Trên cơ sở quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp, một số luật chuyên ngành (bao gồm: chứng khoán, bảo hiểm, đấu giá, luật sư, công chứng) đã quy định theo hướng, hợp nhất việc thành lập doanh nghiệp với việc cấp phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thực tế thực hiện quy định này cho thấy một số điểm không phù hợp. Ví dụ như, đi ngược lại nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 thì kinh doanh là một trong các quyền cơ bản của công dân và mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm. 

Thể chế hóa Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp là việc cơ quan đăng ký doanh nghiệp ghi nhận lại thông tin do doanh nghiệp đăng ký.

Việc đồng nhất quy trình cấp phép kinh doanh một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện với thành lập doanh nghiệp dẫn đến việc nhà nước cấp phép thành lập doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với tinh thần tự do kinh doanh trong Hiến pháp.


Như vậy, quyền tự do kinh doanh cũng như thành lập doanh nghiệp là quyền Hiến định của tổ chức, cá nhân. Nhà nước ghi nhận quyền đó thông qua cơ chế đăng ký doanh nghiệp.

Việc đồng nhất quy trình cấp phép kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện với thành lập doanh nghiệp dẫn đến việc nhà nước cấp phép thành lập doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với tinh thần tự do kinh doanh trong Hiến pháp.

Ngoài ra, việc sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp nhằm tách biệt giữa quyền đương nhiên của người dân là quyền thành lập doanh nghiệp và việc cấp phép kinh doanh trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc quy định yêu cầu tất cả doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp mà hiệu quả quản lý nhà nước đem lại không nhiều, thưa Luật sư?

Cần phân biệt giữa thủ tục cấp phép do nhiều luật, nhiều ngành thực hiện và thủ tục đăng ký kinh doanh phải thực hiện tại một đầu mối duy nhất, là cơ sở đăng ký dữ liệu quốc gia. Thủ tục đăng ký kinh doanh rất đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng, chi phí không đáng kể và còn rất ít vướng mắc.

Một lần nữa cũng phải khẳng định rằng, đăng ký doanh nghiệp ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới là chính pháp lý, còn những thủ tục khác giống như các điều kiện kinh doanh thôi.

Ví dụ taxi, doanh nghiệp phải đăng ký thành lập doanh nghiệp trước, khi đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ được phép lăn bánh. 

Hay như ngành ngân hàng, nếu ví ngân hàng như các doanh nghiệp, thì ngân hàng quan trọng nhất, với cơ chế quản lý, chế tài chặt chẽ, song ngân hàng vẫn phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. 

Hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước đây chỉ làm 1 thủ tục cấp phép, nay cũng đã phải quy định thêm thủ tục ĐKKD tách biệt.

Vì vậy không có lý gì để các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm, đấu giá, luật sư, công chứng… không đăng ký theo Luật Doanh nghiệp.

Mặt khác, các doanh nghiệp thành lập theo luật chuyên ngành sẽ không được hưởng những cải cách mà Luật Doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện trong nhiều năm qua như: các cải cách liên quan đến con dấu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp...

Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, thủ tục đăng ký doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều quy định bất hợp lý, nhưng còn bất cập, phức tạp gì thì phải đơn giản nhanh hơn nữa.

Như cần bỏ những vấn đề giống nhau nhưng lại cứ quy định khác biệt một cách vô lý. Chẳng hạn như ngân hàng thì lại được tự quyết định tất cả hình thức, nội dung cũng như việc quản lý, sử dụng con dấu, trong khi con dấu của công ty chứng khoán thì nhất nhất lại phải theo quy định cụ thể của pháp luật và phải đăng ký tại cơ quan Công an.

- Vậy việc quy định tách biệt giữa việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh và việc cấp phép kinh doanh tại cơ quan quản lý chuyên ngành có phù hợp thông lệ quốc tế, thưa Luật sư?

Hiện này, hầu hết các nước đều tách biệt giữa việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh và việc cấp phép kinh doanh tại các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, Việt Nam cần có quy định tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải được đăng ký tại cùng một cơ quan, nhằm đảm bảo việc quản lý thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Theo tôi, trong thời gian tới, không chỉ các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm, đấu giá, luật sư, công chứng… mà các đơn vị sự nghiệp khi chuyển thành doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp hoạt động khoa học, công nghệ, môi trường… có liên quan đến hoạt động kinh doanh thì đều phải đăng ký doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Ngọc Hà