Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố cáo chấp hành viên, khẳng định không còn giữ chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và con dấu của Trung Nguyên
Sáng 6/6, đại diện luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đến Cục thi hành án TP.HCM gửi đơn tố cáo Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc, cán bộ phụ trách thi hành án vụ án con dấu của CTCP Đầu tư Trung Nguyên (TNH).
Theo đơn tố cáo, ngày 28/5, bà Diệp Thảo đã có văn bản phúc đáp của Cục thi hành án dân sự TP HCM, nêu rõ CTCP Đầu tư Trung Nguyên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới và con dấu mới vào ngày 20/10/2015.
Đơn tố cáo khẳng định bà Diệp Thảo không còn giữ giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và con dấu của công ty này nữa nên cơ sở để bà Diệp Thảo thực hiện việc thi hành án không còn.
Do vậy, bà Thảo cho rằng việc Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc ra quyết định cưỡng chế và liên tục thông báo yêu cầu bà Diệp Thảo thi hành là trái pháp luật.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên toà phúc thẩm li hôn. Ảnh: VnExpress.
Theo nội dung đơn tố cáo của bà Thảo, chấp hành viên Thanh Trúc có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự, cụ thể là vượt quá quyền hạn làm trái công vụ để tiếp tục yêu cầu bà Diệp Thảo giao giấy tờ, con dấu. Trên cơ sở đó, luật sư của bà Diệp Thảo đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP HCM tiến hành xác minh, làm rõ vi phạm để xử lý và Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao điều tra xác minh đối với bà Thanh Trúc.
Trước đó, ngày 12/11/2018, TAND Cấp cao TP HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của CTCP Trung Nguyên. Sau khi bản án có hiệu lực, Cục Thi hành án đã nhiều lần tống đạt quyết định thi hành án, giấy báo... song bà Thảo chưa thực hiện theo.
Theo bản án phúc thẩm, bà Thảo là cổ đông, nắm 30% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Trung Nguyên. Giữa tháng 10/2015, bà dẫn theo một số người đến trụ sở của TNH, cưỡng đoạt con dấu và giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Việc này được Văn phòng thừa phát lại quận Bình Tân ghi nhận.
Việc này đã gây khó khăn cho TNH trong việc giao dịch với đối tác, khách hàng. Tập đoàn đã nhiều lần yêu cầu bà Thảo trả lại toàn bộ tài sản trên, song bà không thực hiện.
TNH sau đó khởi kiện bà Thảo, yêu cầu hoàn trả tài sản, chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép con dấu của công ty, đóng dấu lên chữ kí của người không có thẩm quyền và nhân danh công ty thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền.
Bởi theo CTCP Đầu tư Trung Nguyên, từ cuối năm 2014, bà Thảo không còn được ủy quyền thực hiện bất kì công việc liên quan đến hoạt động của công ty.
Quy định Điều 357 Bộ luật hình sự 2015:
Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.