|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loay hoay xử lí doanh nghiệp FDI vắng chủ

23:41 | 16/08/2019
Chia sẻ
Lại có thêm chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn, khiến các cơ quan chức năng bị động và lúng túng trong xử lí.
Loay hoay xử lí doanh nghiệp FDI vắng chủ - Ảnh 1.

Người lao động tụ tập bên ngoài cổng Công ty KaiYang Việt Nam.

Khi nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”

Mấy ngày trước, UBND TP. Hải Phòng đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn để giải quyết việc lãnh đạo Công ty TNHH KaiYang Việt Nam (trụ sở tại quận Kiến An, Hải Phòng) bỏ đi không rõ lý do. Ngày 11/8, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, nhưng sáng ngày 12/8, khi công nhân đến làm việc, thì phát hiện nhà máy đã bị niêm phong, dừng hoạt động.

Chủ doanh nghiệp KaiYang “bỏ của chạy lấy người”, để lại hơn 2.000 công nhân bơ vơ bị mất việc làm. Hơn nữa, khi bỏ đi không rõ nguyên nhân, KaiYang còn để lại một khoản nợ không nhỏ, không chỉ là lương công nhân 1 tháng 12 ngày chưa trả, mà còn khoản nợ bảo hiểm xã hội 3 tháng (5 - 6 - 7), ước tính trên 9 tỷ đồng. 

Ngoài ra, công ty này còn đang vay nợ của các ngân hàng hơn 150 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã chỉ đạo UBND quận Kiến An chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục nắm bắt tình hình, phối hợp với phía Công ty KaiYang Việt Nam để có phương hướng giải quyết tốt nhất lợi ích, chế độ cho người lao động; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản Công ty. 

Khi Công ty hoạt động trở lại, công nhân tiếp tục làm việc bình thường. Nếu xảy ra nợ xấu, UBND Thành phố ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Thông tin cho biết, kế hoạch là lãnh đạo KaiYang sẽ sang Việt Nam để xử lý vụ việc. Sẽ thật là tốt, nếu KaiYang tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam. Nhưng trường hợp ngược lại, hệ lụy rất lớn, buộc các cơ quan chức năng Việt Nam phải vào cuộc giải quyết.

Trên thực tế, những vụ việc nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người” như KaiYang Việt Nam không phải là hiếm. Ở Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…, đã xảy ra tình trạng như vậy. Thậm chí, có thời điểm, chuyện nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn, để lại đống nợ nần đã trở thành nỗi ám ảnh không nhỏ.

Có thể nhắc tới chuyện Lifepro Việt Nam (Ninh Bình), hay Kenmark (Hải Dương). Rồi chuyện Ado Vina, Amanda, thép Quatron “cao chạy xa bay”, để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng. Hay như đầu năm 2018, ở Đồng Nai cũng có trường hợp chủ đầu tư KL Texwell Vina bỏ trốn, để lại khoản nợ hơn 30 tỷ đồng.

Câu chuyện nằm ở chỗ, phải xử lý doanh nghiệp “vắng chủ” như thế nào?

Loay hoay xử lý

UBND TP. Hải Phòng ngay lập tức vào cuộc, nhưng cũng mới chỉ là đưa ra những biện pháp ban đầu, mà phần nhiều là để an lòng người lao động của KaiYang. Nếu thực sự KaiYang “ra đi không trở lại”, thì sẽ còn một khối lượng công việc không nhỏ phải xử lý. 

Từ chuyện giải quyết chế độ cho người lao động, rồi làm thủ tục phá sản, thanh lý tài sản của Công ty, giải quyết nợ nần… Mọi chuyện không dễ dàng.

Nói như vậy là bởi, dù ngay sau khi vụ việc của KL Texwell Vina xảy ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã vào cuộc. Để giải quyết tình thế cấp bách, UBND tỉnh Đồng Nai thậm chí đã tạm ứng tiền ngân sách để trả 50% lương tháng 1/2018 cho công nhân, với số tiền gần 7 tỷ đồng. 

Song từ bấy đến nay, hơn 1 năm trôi qua, quá trình xử lý tài sản của KL Texwell Vina vẫn chưa xong, nợ chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong khi đó, với Kenmark Hải Dương, phải tới tận cuối năm ngoái, khi BIDV đấu giá thành công khối tài sản ngàn tỷ đồng của khu công nghiệp này cho An Phát, thì sự việc mới được giải quyết. 

Nên nhớ, chủ đầu tư của Kenmark đã bỏ trốn từ năm 2010, tức là phải sau gần chục năm bỏ hoang, khu công nghiệp này mới được hồi sinh, và chuyện nợ nần của Kenmark mới được xử lý xong. Gần 10 năm là biết bao cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, là tài sản nằm đó “trơ gan cùng quế nguyệt”, thiệt hại khó đong đếm.

Thực trạng này một lần nữa cho thấy, chuyện xử lý doanh nghiệp vắng chủ là vô cùng khó khăn. Để giải quyết, cần quản lý, giám sát chặt chẽ hơn doanh nghiệp FDI hậu cấp phép.

Từ kinh nghiệm của Đồng Nai, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai cho rằng, các cơ quan quản lý cần thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ, nếu phát hiện doanh nghiệp nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn thì phối hợp giải quyết, ngăn chặn không để chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Trên thực tế, để giải quyết câu chuyện doanh nghiệp vắng chủ, không chỉ trông chờ vào sự hợp tác tự nguyện giữa các bên, mà hành lang pháp lý cần quy định chặt chẽ hơn về chuyện “hậu kiểm” doanh nghiệp.

Trong định hướng thu hút FDI giai đoạn tới, các cơ chế, chính sách sẽ chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, không chỉ hậu kiểm việc thực hiện các cam kết về tiến độ dự án, mà còn là các cam kết về ưu đãi đầu tư, về máy móc, thiết bị… Nếu hậu kiểm tốt, có thể hạn chế tình trạng chủ đầu tư bỏ trốn, cả tình trạng “xác sống”, tức là đăng ký đầu tư mà có khi cả chục năm vẫn không triển khai dự án…

Nguyên Đức