|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trị 'bệnh' vốn mỏng của doanh nghiệp FDI

21:15 | 15/08/2019
Chia sẻ
Nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp vẫn đang ở mức cao và tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này khiến Chính phủ muốn tìm 'thuốc' để không chỉ giảm nợ nước ngoài, mà còn trị bệnh vốn mỏng của doanh nghiệp FDI.
Trị 'bệnh' vốn mỏng của doanh nghiệp FDI - Ảnh 1.

Nhà máy của Hualon Corporation tại Đồng Nai - doanh nghiệp đã bị phát hiện hành vi chuyển giá.

“Nóng” chuyện nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp

Một thông tin đáng chú ý được đề cập tại cuộc họp mới diễn ra giữa Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với các bộ, ngành về tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2018 là tỷ lệ nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp trong tổng nợ nước ngoài của Chính phủ đang tăng nhanh. Con số của năm 2018 là 48,4%, trong khi năm 2016 là 40,4%, còn năm 2011 là 25,6%.

Quan trọng hơn, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp FDI. Khối này chiếm tới 76% tổng nợ của doanh nghiệp và chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp FDI quy mô lớn.

Trên thực tế, hồi đầu năm, khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề này, nhiều thông tin được cung cấp cũng đã khiến dư luận không khỏi giật mình. Đó là, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp FDI vốn mỏng, “tay không bắt giặc”… Qua rà soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu, thì 100% số này là doanh nghiệp FDI.

Câu chuyện nằm ở chỗ, theo quy định tại Luật Quản lý nợ công, vốn vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp cũng được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia. Mà khoản nợ này, mặc dù tính tới cuối năm 2018 đã giảm xuống còn 46% GDP (so với 48,9% GDP vào thời điểm cuối năm 2017), song vẫn khá sát ngưỡng 50% GDP mà Chính phủ đặt ra.

Thêm vào đó, theo lý giải của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam), khi cơ cấu vốn của doanh nghiệp chủ yếu đến từ khoản nợ từ bên ngoài thay vì vốn chủ sở hữu, thì đó là tình trạng vốn mỏng. Đây chính là bước đầu tiên của hiện tượng chuyển giá thông qua vốn đầu tư.

Cụ thể, công ty mẹ cho công ty con, công ty liên kết vay nợ, cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính với lãi suất cao hơn trên thị trường ngân hàng. Chi phí lãi vay lại là khoản chi phí được phép khấu trừ, vì vậy, các doanh nghiệp đã chọn “mánh” này để chuyển lợi nhuận về nước. Đó chính là chuyển giá.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, có hơn 50% doanh nghiệp FDI thua lỗ, nhiều doanh nghiệp lỗ, nhưng vẫn mở rộng đầu tư và điều này phần nào cho thấy, tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp.

Tìm thuốc trị bệnh vốn mỏng

Đây không phải là lần đầu tiên, chuyện tìm thuốc, bốc thuốc trị bệnh vốn mỏng được đề cập. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng chính là người đã nhiều lần đề xuất các cơ chế, chính sách để trị căn bệnh này.

Cụ thể, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Việt Nam cần đưa ra các quy định về vốn mỏng, giới hạn trần vay nợ so với vốn tự có, giống như nhiều quốc gia khác đang thực hiện.

Hiện một số quốc gia như New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hà Lan… quy định, nếu vốn vay của doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu vượt quá 3/1 thì được coi là vốn mỏng. Theo đó, phần lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định này không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các nước nên áp dụng tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu ở mức 3/1 là hợp lý nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ quá cao”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng, khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cần quan tâm các quy định về vốn mỏng. Hiện tại, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không khống chế khoản chi phí lãi tiền vay đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Trong một động thái khác, để xử lý vấn đề vốn mỏng, tránh những hệ lụy xấu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện pháp luật quản lý nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tập trung giám sát tổng nợ, cơ cấu nợ của các khu vực và có tính tới rủi ro đối với từng doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá tổng thể FDI, nhất là dự án lớn trên tổng nguồn vốn đầu tư; các tác động của điều kiện vay nước ngoài tới mục tiêu tăng trưởng và thu hút FDI; chủ trì đề xuất khắc phục tình trạng vốn mỏng trong các dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế, trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, cũng như xây dựng chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, tới đây, sẽ tập trung chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư. Theo đó, khi sửa Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bổ sung một điều khoản là trong trường hợp cần thiết, sẽ giám định vốn đầu tư để xác định căn cứ tính thuế, chống chuyển giá.

“Quy định này sẽ tạo ra một cơ chế mở, để trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng giám định chi phí đầu tư thực của doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước kết quả đó và phải trả cả chi phí giám định. Làm được như thế mới khắc phục được một bước tình trạng chuyển giá ở khâu đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chuyện vốn mỏng cũng sẽ được tập trung xử lý trong thời gian tới.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi Điều 44, Luật Đầu tư như sau:

Điều 44: Giám định vốn đầu tư, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ

1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ hoặc để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ.

Nguyên Đức