VAMC với tham vọng trở thành trung tâm mua bán nợ xấu
Cần phải tăng vốn điều lệ thì VAMC mới đủ tiềm lực để giải quyết số nợ xấu đã mua về một cách hiệu quả
Tạo tiền đề thành lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung
Giữa tuần này, VAMC công bố kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2019-2023 với nhiều tham vọng. Mục tiêu của VAMC tại kế hoạch này là hoàn thành việc xử lý nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Song song với đó đẩy mạnh hoạt động mua, bán xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường mở thành hoạt động chính của công ty. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển của thị trường mua bán nợ xấu thông qua việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ xấu, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường.
Về mua nợ xấu, VAMC lên kế hoạch đạt tổng nợ xấu mua lũy kế đến hết năm 2020 tối thiểu 330.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị nợ xấu mua theo cơ chế thị trường đến hết năm 2020 đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng theo giá mua nợ. Trước mắt, phía VAMC cho biết năm 2019 sẽ mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường, xử lý 50.000 tỷ đồng nợ xấu.
Thực ra, những tham vọng trên không phải bây giờ cơ quan này mới đặt ra, trong một lần trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐTV VAMC ông Nguyễn Tiến Đông đã từng chia sẻ là rất mong muốn sớm thành lập trung tâm mua bán nợ xấu và đưa các khoản nợ được VAMC “gắn mác” chứng nhận đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường.
Để trung tâm mua bán nợ hình thành và đi vào hoạt động, theo ông Đông cần có hàng hóa, người mua, người bán, và quan trọng nhất là cơ chế quản lý, hoạt động của thị trường. Tuy nhiên, để làm được tất cả những điều này thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Không muốn rơi vào tình huống khó xử theo kiểu chọn con gà hay quả trứng có trước, nên VAMC quyết định hình thành cái chợ trước, sau đó sẽ xây dựng khung pháp lý để quản lý.
Để khởi động tham vọng này, thời gian qua, VAMC đã triển khai thông qua việc triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu. Ngoài ra, VAMC đã kết nối với AMC, CIC… nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu hàng hoá trao đổi thông tin. Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai.
“Thời gian qua, VAMC tiến hành phân loại TSBĐ của các khoản nợ theo danh mục: bất động sản, tài sản trên đất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, giấy tờ có giá, tài sản khác, và thực hiện đăng tải công khai danh mục trên Website của VAMC. Danh mục tài sản được VAMC rà soát và cập nhật định kỳ 2 lần/tháng. Việc đăng danh mục tài sản lên Website từ tháng 7/2018 là bước đầu triển khai, nhằm xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường”, lãnh đạo VAMC thông tin thêm.
Trong năm 2019, doanh nghiệp này cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất Đề án xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện ngay trong năm 2020. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất mô hình, khung khổ pháp lý về sàn giao dịch nợ xấu để thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu trong năm 2020 - 2021.
Hướng đi trên của VAMC hoàn toàn đúng đắn và kinh nghiệm của phần lớn các quốc gia trên thế giới cho thấy, để xử lý triệt để nợ xấu, không còn cách nào khác là hình thành và thúc đẩy thị trường mua bán nợ tập trung. Đây cũng là giải pháp được nhiều ngân hàng ngóng chờ nhiều năm nay. Song thực tế, số nợ xấu được mua theo giá thị trường còn rất nhỏ.
Lũy kế đến hết năm 2018, VAMC mới mua gần 6.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường.Một trong những nguyên nhân chính khiến VAMC không mua được nhiều nợ theo giá trị thị trường được lãnh đạo VAMC cho biết, là do vốn chưa được bổ sung kịp thời. Vốn eo hẹp khiến cho cơ quan này không những không mua được thêm khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, mà còn đang vướng khoản nợ đến hạn cần phải thanh toán từ hợp đồng mua nợ trả chậm trong năm 2018 nhưng chưa có vốn để trả.
Mặc dù, VAMC vẫn có thể ký kết mua theo hình thức trả chậm trong thời gian chờ vốn, nhưng nếu cứ mua theo hình thức trả chậm như vậy, VAMC cũng mất khách. “Vì mua bán nợ theo giá trị thị trường xác định phải trả bằng tiền tươi thóc thật. Do đó, khi TCTD bán cho VAMC họ muốn nhận được tiền luôn, nếu lại phải đợi chúng tôi xử lý xong mới có tiền để trả, chắc chắn sau này các TCTD cũng không mặn mà bán nợ cho VAMC nữa”, vị này tỏ ra băn khoăn.
Giải cơn khát vốn
Muốn thị trường mua bán nợ tập trung sớm được vận hành, theo giới chuyên môn, ngoài hành lang pháp lý phải hoàn thiện, điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tăng cường năng lực tài chính cho VAMC. Đến thời điểm này, vốn điều lệ VAMC vẫn chỉ có 2.000 tỷ đồng. VAMC nắm trong tay hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu, nhưng vốn điều lệ chỉ có vẻn vẹn vài nghìn tỷ đồng thì công ty này chưa thể mua lượng lớn nợ xấu theo giá thị trường, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Vì vậy, cần phải tăng vốn điều lệ thì VAMC mới đủ tiềm lực để giải quyết số nợ xấu mà VAMC đã mua về một cách hiệu quả. Vị chuyên gia có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành Ngân hàng gợi ý, có thể tăng vốn điều lệ qua hình thức vốn ghi sổ. Cách thức này đã được áp dụng trong thời gian trước đây đối với các ngân hàng quốc doanh. Có nguồn vốn tốt sẽ là cơ sở pháp lý thuận lợi để VAMC huy động nguồn vốn khác qua hình thức phát hành trái phiếu trong nước thậm chí phát hành trái phiếu ra nước ngoài cũng khả thi.
Để thực hiện kế hoạch tham vọng trên, theo Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông, VAMC dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp đạt 5.000 tỷ trong năm 2019 và 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2021. Lãnh đạo VAMC tiết lộ, có thể từ nay đến hết tháng 6 này sẽ được Chính phủ bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng nâng tổng vốn lên là 5.000 tỷ đồng.
Dù theo Đề án 1058, vốn điều lệ VAMC được nâng lên 10.000 tỷ đồng, nhưng theo các chuyên gia, con số này còn hết sức khiêm tốn so với quy mô dư nợ toàn hệ thống hiện tại. Do vậy, Chủ tịch HĐTV VAMC ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, muốn huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật. VAMC thực hiện trích vào chi phí hàng năm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng thu chi theo quy định.
Ngoài ra, còn một số biện pháp huy động tài chính như thực hiện phát hành trái phiếu VAMC để mua nợ theo giá thị trường; Hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.