|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VAMC đặt mục tiêu xử lí 145.000 tỉ đồng nợ xấu trong 5 năm tới

17:06 | 18/06/2019
Chia sẻ
VAMC đã đề ra kế hoạch phát triển trong 5 năm tới của công ty với mục tiêu xử lí được ít nhất 145.000 tỉ đồng nợ xấu và thiết lập thành công sàn giao dịch nợ xấu chuyên nghiệp.

Kế hoạch kinh doanh và phát triển giai đoạn 2019 - 2023 của Công ty TNHH MTV Quản lí Tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt ngày 30/5.

Theo đó, mục tiêu trong 5 năm tới của VAMC là hoàn thành cơ bản việc xử lí nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường mở mà trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm.

Tổng nợ xấu lũy kế đến hết năm 2020 VAMC đặt ra tối thiểu là 330.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu theo giá trị thị trường (GTTT) được tập trung hơn, mục tiêu đến hết năm 2020 tối thiểu là 20.000 tỉ đồng theo giá mua nợ.

Đồng thời từ năm 2019, vì nợ xấu mua bằng TPĐB của các Tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém có thể gây rủi ro cho hệ thống nên phạm vi và số lượng nợ xấu mua bằng TPĐB sẽ tuân theo quyết định của NHNN nhằm bảo đảm ổn định và an toàn hệ thống.

Về xử lí nợ, VAMC đặt mục tiêu xử lí hết số nợ xấu đã mua đến hết năm 2020 (không tính các khoản nợ xấu mua bằng TPĐB của các TCTD yếu kém gây rủi ro cho hệ thống). Giai đoạn 2021 - 2023, VAMC sẽ tập trung xử lí nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường và tiếp tục xử lí số nợ xấu đã mua bằng TPĐB.

Một kế hoạch quan trọng nữa là việc thiết lập, vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu, nhằm đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm. Đề án dự kiến trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai ngay trong năm 2020 và khung pháp lí về thiết lập và vận hành sàn sẽ được đề xuất năm 2020 - 2021.

Kế hoạch triển khai dự kiến của VAMC

NămMua nợ xấu theo GTTTXử lí nợ xấu theo TPĐBTổng số tiền thu hồi nợ
GTTTTPĐB
20194.50050.000 
20208.40060.0006.72015.000
20219.50020.0007.6005.000
202210.50015.0008.4003.000
2023Tiếp tục mua/bán và xử lí nợ xấu theo GTTTTiếp tục xử lí nợ xấu đã mua bằng TPĐB  

Nguồn: Kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển của VAMC, đơn vị tính: tỉ đồng. (NH tổng hợp)

Để xử lí nợ xấu đã mua bằng TPĐB, VAMC sẽ phải giám sát và ủy quyền cho các TCTD quản lí, rà soát đánh giá khách vay và phối hợp các cơ quan có thẩm quyển để có phương án xử lí nợ phù hợp với quy định của pháp luật, hoặc có thể triển khai bán đấu giá khoản nợ, tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo quy định.

Đối với việc mua/bán nợ xấu theo giá trị thị trường, VAMC sẽ ưu tiên các khoản nợ xấu có giá trị lớn, ưu tiên chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB sang mua theo giá trị thị trường theo quy định, mua nợ theo lô để đẩy nhanh quá trình mua/bán và xử lí nợ xấu. 

Đối với việc tạo lập sàn giao dịch sẽ được xây dựng từ hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc NHNN (CIC), các Công ty Quản lí tài sản (AMC) và các TCTD nhằm phân loại, đánh giá khả năng xử lí và thu hồi nợ. Bên cạnh đó, cần kịp thời công khai hoạt động mua/bán và danh mục TSBĐ, các thông báo đấu giá nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp.

Tăng vốn lên 10.000 tỉ đồng

Để có nguồn tài chính thực hiện xử lý nợ xấu, VAMC cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ VAMC lên 5.000 tỉ đồng năm 2019 và 10.000 tỉ đồng giai đoạn 2020 - 2021.

Bên cạnh đó, huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. VAMC trích vào chi phí hàng năm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (tổng mức trích quỹ dự trữ bổ sung tối đa bằng vốn điều lệ VAMC được cấp) trên nguyên tắc bảo đảm cân bằng thu - chi theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, phát hành trái phiếu VAMC để mua nợ theo giá trị thị trường; hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo qui định pháp luật trong xử lý nợ xấu.

Ngọc Huyền