|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vải thiều xuất sang Trung Quốc giảm hơn một nửa

15:25 | 29/07/2024
Chia sẻ
Nửa đầu năm, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc đạt 14,5 triệu USD, giảm gần 62% so với cùng kỳ 2023 - mức giảm mạnh nhất từ trước tới nay

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu về tình hình xuất khẩu vải trong nửa đầu năm nay, cho thấy kim ngạch đạt 23,6 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc - thị trường lớn nhất của vải thiều Việt Nam - ghi nhận mức giảm mạnh nhất (62%) trong top 10 thị trường nhập khẩu, theo sau là Nhật Bản và Anh với mức giảm lần lượt gần 4% và 16%.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là nguồn cung vải năm nay giảm mạnh do các vườn trồng bị mất mùa.

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, sản lượng vải năm 2024 chỉ đạt khoảng 200.000 tấn, giảm 50% so với năm trước. Cụ thể, Bắc Giang thu hoạch khoảng 100.000 tấn (giảm 50% so với 2023), Hải Dương đạt khoảng 45.000 tấn (giảm 23%)...

Vải thiều tại cửa hàng trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) hồi tháng 5. Ảnh: Thi Hà

Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang, cho biết chưa năm nào vải thiều mất mùa nghiêm trọng như năm nay. Đến hết tháng 6, Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 85.700 tấn vải, trong đó loại chín sớm chiếm hơn 47.600 tấn.

Do mất mùa, giá vải vụ này tăng cao kỷ lục. Tại thị trường nội địa, mỗi kg vải truyền thống cuối vụ lên đến 180.000 đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 40.000-60.000 đồng. Với vải lai như u trứng trắng và u trứng hồng có giá bán lẻ lên tới 360.000 đồng một kg. Khác với những năm trước, năm nay vải thiều chính vụ chỉ xuất hiện lác đác tại miền Nam, với một số hệ thống siêu thị bán trong thời gian chưa đầy một tháng.

Vải thiều là một trong những loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6. Các vùng trồng lớn như huyện Thanh Hà (Hải Dương) và huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ngoài ra, Tây Nguyên và Hưng Yên cũng đang phát triển loại cây này.

 

 

Thi Hà

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.