Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chỉ đầu tư PPP ở lĩnh vực trọng điểm
Đầu tư vào 5 nhóm lĩnh vực
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV, sáng nay, 28/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, một số ý kiến đề nghị cần hạn chế lĩnh vực đầu tư PPP, có ý kiến đề nghị cần bổ sung một số lĩnh vực, trong đó có thủy lợi; một số ý kiến đề nghị không quy định “nhà máy điện” là một trong các lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; đồng thời rà soát lĩnh vực đầu tư PPP trên nguyên tắc bảo đảm ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân theo pháp luật về đầu tư.
Như vậy, có 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn và thể hiện tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật là: Những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi); cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường); bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo); phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin); thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
"Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định các dự án phát sinh ngoài lĩnh vực quy định tại dự thảo Luật nhưng cần phải thực hiện đầu tư theo phương thức PPP để bảo đảm xử lý một số tình huống phát sinh trên thực tế.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ: “Khoản 1 Điều 4 đã quy định 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP nhằm tránh mở rộng các dự án PPP, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro về cân đối vốn đầu tư công, rủi ro ở cấp độ quốc gia về nợ công, nợ nước ngoài và gây khó khăn cho công tác quản lý ngân sách nhà nước. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật”.
4 nội dung kiểm toán
Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 87), Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho hay, một số ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân trong dự án.
Một số ý kiến khác cho rằng dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.
Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm nào, giai đoạn nào thực hiện kiểm toán dự án PPP, tránh gây khó khăn trong hoạt động của dự án; đề nghị nghiên cứu việc kiểm toán khi dự án đã tiến hành vận hành, khai thác ổn định từ 2 - 3 năm trên cơ sở xem xét các chỉ số chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh để đánh giá tính kinh tế và hiệu quả kinh tế của dự án.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.
Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước như sau: Thứ nhất, kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Thứ hai, kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 74 của Luật này; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 72 của Luật này; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này;
Thứ ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công sau thời gian vận hành, khai thác tối thiểu 03 năm.
Thứ tư, khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
Đầu tư theo phương thức PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp.
Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP để thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật này, bao gồm các loại hợp đồng sau:
Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO); Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO); Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL); Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT); hợp đồng hỗn hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 45 của Luật này; hợp đồng khác theo quy định tại khoản 5 Điều 45 của Luật này.