|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ủy ban Basel nới lỏng qui định về vốn cho các ngân hàng hỗ trợ khách hàng trong dịch COVID-19

08:53 | 05/04/2020
Chia sẻ
Các ngân hàng trên toàn cầu vừa cho biết họ sẽ không cần áp dụng các qui định nghiêm ngặt về vốn đối với các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ hoặc giãn nợ nhằm đảm bảo hoạt động vay vốn trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Financial Times, vào thứ hôm thứ Sáu (3/4), Ủy ban Basel, tổ chức đưa ra các qui định ngân hàng quốc tế, đã ban hành các hướng dẫn tới các ngân hàng và cho biết ngân hàng sẽ không cần phải xếp hạng rủi ro cao hơn với những khách hàng đang tìm kiếm sự cứu trợ tạm thời từ khoản vay có Chính phủ bảo lãnh.

Ủy ban Basel cho biết những hướng dẫn mới này đảm bảo rằng các ngân hàng phản ảnh được hiệu quả việc giảm thiểu rủi ro của các biện pháp khi tính toán các yêu cầu về vốn pháp định của họ.

Theo qui tắc của cơ quan này, các yêu cầu về vốn cao hơn áp dụng đối với các khoản vay xếp loại là quá hạn hoặc bị vỡ nợ, điều này xảy ra khi ngân hàng không nhận khoản thanh toán từ 90 ngày trở đi.

Tuy nhiên, những qui định này sẽ khiến tăng chi phí cho các nhà băng khi đưa ra các biện pháp vay bổ sung, giãn nợ để giúp cá nhân và doanh nghiệp vượt quá khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

Trong những tuần gần đây, các quốc gia trên thế giới đã thông báo hàng loạt gói kích thích kinh tế nhằm giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ở Mỹ, gói cứu trợ lên tới 2.200 tỉ USD, 454 tỉ USD được giải ngân thông qua các khoản vay của Chính phủ và bảo lãnh cho vay.

Các nước trong EU cũng công bố gói 2.700 tỉ euro, bao gồm chương trình bơm thanh khoản dưới dạng các khoản cho vay từ Nhà nước hoặc bảo lãnh tín dụng được thực hiện thông qua các ngân hàng.

Tuy nhiên, các ngân hàng đang bị đối mặt với chỉ trích rằng hành động quá chậm trong việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ đưa ra, một phần do lo ngại về thiệt hại đối với vốn của ngân hàng.

Do vậy, để giải quyết vấn đề trên, Ửy ban Basel II cho biết họ có thể loại trừ thời gian giãn nợ ra khỏi yêu cầu của các khoản vay quá hạn và những tài sản không tạo ra thu nhập.

Bên cạnh đó, khi khách hàng tiếp cận biện pháp cứu trợ như bảo lãnh tín dụng thì không nên xếp vào những trường hợp không được hưởng bảo lãnh - chỉ tiêu này thường tăng mức độ đánh giá rủi ro và yêu cầu về vốn.

Chuẩn mực kế toán cũng có thể áp dụng linh hoạt. Tổn thất tín dụng từ đó sẽ được giảm thiếu nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong vài tuần gần đây.

Thu Hoài