|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Cung cầu gạo thế giới cao kỷ lục trong niên vụ 2021-2022

09:17 | 30/01/2022
Chia sẻ
Theo USDA, niên vụ 2021-2022, sản lượng và tiêu thụ gạo thế giới được dự báo cao kỷ lục, nhưng thương mại toàn cầu có thể giảm.

Nguồn cung cao kỷ lục do sản lượng của Ấn Độ và Trung Quốc tăng

Theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

So với niên vụ trước, Australia, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Nigeria, Paraguay, Senegal, Hàn Quốc, Tanzania và Thái Lan dự kiến sẽ chiếm phần lớn sự gia tăng sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022. Mức tăng nhiều nhất được dự báo tại Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.

Trong đó, sản lượng gạo niên vụ 2021-2022 của Ấn Độ dự báo đạt 125 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và sẽ là năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận sản lượng cao kỷ lục.

Tương tự, sản lượng gạo của Trung Quốc trong niên vụ 2021-2022 dự báo đạt kỷ lục gần 149 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất trên thế giới và chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu hàng năm.

Ngược lại, sản lượng dự kiến sẽ giảm tại Colombia, Ai Cập, EU, Guyana, Iran, Iraq, Kazakhstan, Madagascar, Mali, Philippines, Nga, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Uruguay và Việt Nam. Trong đó, Mỹ và Ai Cập dự kiến sẽ ghi nhận sản lượng giảm mạnh nhất.

Tiêu thụ chạm ngưỡng 510,3 triệu tấn

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

Trong đó, Bangladesh, Brazil, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Guinea, Ấn Độ, Liberia, Nepal, Nigeria, Pakistan, Philippines, Tanzania và Thái Lan chiếm phần lớn mức tăng dự kiến trong tiêu dùng gạo toàn cầu niên vụ 2021-2022.

Ngược lại, trong niên vụ 2021-2022 tiêu thụ dự kiến sẽ giảm tại Ai Cập, Indonesia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Sự suy giảm ở Hàn Quốc và Nhật Bản là do sự thay đổi trong chế độ ăn uống và dân số giảm ở Nhật Bản hoặc tăng không đáng kể ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, sự suy giảm tại Ai Cập là do vụ mùa nhỏ hơn dẫn đến nguồn cung thắt chặt hơn, mặc dù nhập khẩu kỷ lục. Tương tự, tiêu thụ dự kiến giảm tại Mỹ do vụ thu hoạch thấp hơn năm trước.

USDA: Cung cầu gạo thế giới sẽ đạt mức cao kỷ lục trong niên vụ 2021-2022 - Ảnh 1.

Dự báo cung – cầu và tồn trữ gạo thế giới niên vụ 2021-2022 của USDA, ĐVT: nghìn tấn. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Trong niên vụ 2021-2022, tồn trữ gạo cuối vụ toàn cầu được dự báo đạt 186,1 triệu tấn, cao hơn 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 0,4 triệu tấn so với mức kỷ lục của niên vụ 2020-2021.

Trung Quốc chiếm phần lớn trong sự sụt giảm dự kiến trong tồn trữ gạo cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2021-2022, với khoảng 113 triệu tấn, thấp hơn 3,5 triệu so với kỷ lục của niên vụ trước.

Tồn trữ lúa gạo tại Mỹ cũng dự kiến giảm 0,3 triệu tấn xuống còn khoảng 1 triệu tấn. Ngược lại, dự trữ cuối kỳ của Ấn Độ dự kiến tăng 2,3 triệu tấn lên mức kỷ lục 38,3 triệu tấn.

Niên vụ 2021-2022, Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm 61% tổng lượng gạo tồn trữ toàn cầu và Ấn Độ chiếm gần 21%. Tỷ lệ sử dụng dự trữ gạo toàn cầu niên vụ 2021-2022 được dự báo là 36,5%, giảm so với kỷ lục 37,1% của niên vụ 2020-2021.

Thương mại dự kiến đạt 49,5 triệu tấn

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn (xay xát), tăng gần 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và Việt Nam giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến giảm 1,8 triệu tấn, từ mức kỷ lục 20,5 triệu tấn của năm 2021 xuống 18,8 triệu tấn trong năm 2022 nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử của nước này.

Xuất khẩu gạo của Campuchia dự kiến giảm 0,5 triệu tấn từ kỷ lục của năm 2021 xuống 1,4 triệu tấn, và xuất khẩu của Trung Quốc được sẽ giảm 0,2 triệu tấn xuống còn 2,2 triệu tấn. Xuất khẩu của Mỹ dự báo giảm gần 0,1 triệu tấn xuống 2,9 triệu tấn do nguồn cung thắt chặt dẫn đến giá cao hơn.

Sự sụt giảm xuất khẩu từ các nước kể trên sẽ được bù đắp một phần nhờ xuất khẩu tăng từ Australia, Brazil, Pakistan, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam, với xuất khẩu của Thái Lan dự kiến tăng mạnh nhất, tăng 0,6 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn.

Xuất khẩu của Australia dự kiến sẽ tăng 210.000 - 270.000 tấn nhờ sản xuất phục hồi sau hạn hán. Tương tự, xuất khẩu của Brazil dự kiến tăng 190.000 tấn lên 0,9 triệu tấn và Pakistan tăng 100.000 tấn lên 4 triệu tấn do vụ mùa lớn hơn.

Xuất khẩu năm 2022 của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng 100.000 tấn lên 6,5 triệu tấn do sản lượng lớn hơn và nguồn cung gạo dồi dào cho xuất khẩu.

USDA: Cung cầu gạo thế giới sẽ đạt mức cao kỷ lục trong niên vụ 2021-2022 - Ảnh 2.

USDA dự báo xuất khẩu gạo của một số nước, ĐVT: nghìn tấn. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Về nhập khẩu gạo toàn cầu năm 2022, nhập khẩu gạo của Bangladesh dự kiến sẽ giảm gần 2,1 triệu tấn xuống còn 0,6 triệu do sản lượng thu hoạch lớn hơn dẫn đến nguồn cung tăng.

Nhập khẩu của Việt Nam cũng được dự báo giảm 1,2 triệu tấn, xuống còn 0,6 triệu tấn so với khối lượng lớn bất thường 1,8 triệu tấn của năm ngoái.

Trước đây phần lớn nhập khẩu gạo của Việt Nam thường là các chuyến hàng qua biên giới từ Campuchia. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn gạo tấm gạo từ Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, làm bia và khoảng 1 triệu tấn gạo từ Campuchia - mức cao kỷ lục. Số lượng mua này dự kiến sẽ ít hơn nhiều vào năm 2022.

Nhập khẩu cũng được dự báo sẽ giảm tại Australia, Brazil, Trung Quốc, Guinea, Philippines, Senegal, Nam Phi và Venezuela.

Với thị trường Trung Quốc, mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến giảm 0,2 triệu tấn xuống còn 4,6 triệu tấn trong năm 2022, Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Ngược lại, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng vào năm 2022 đối với Angola, Cuba, Ai Cập, Ethiopia, EU, Gambia, Haiti, Iran, Jordan, Kenya, Triều Tiên, Kuwait, Liberia, Madagascar, Nepal, Nigeria, Oman, Panama, Peru, Qatar, Nga, Saudi Arabia, Somalia, Sri Lanka, Togo, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Ai Cập dự báo có mức tăng trưởng nhập khẩu lớn nhất vào năm 2022, tăng khoảng 480.000 tấn lên mức kỷ lục 0,8 triệu do sản lượng trong nước giảm.

USDA: Cung cầu gạo thế giới sẽ đạt mức cao kỷ lục trong niên vụ 2021-2022 - Ảnh 3.

USDA dự báo nhập khẩu gạo của một số nước, ĐVT: nghìn tấn. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Hoàng Hiệp