USD bật tăng, sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán và hàng hóa
Trên thị trường kim loại quý, trong khi vàng chạm đáy 6 tuần, bạc, bạch kim và palladium lại giảm ít nhất 1,3%.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.312,71 USD/ounce sau khi đã chạm đáy 6 tuần ở đầu phiên giao dịch. Với mức giảm tương tự, giá vàng giao tháng 12/2016 tại Mỹ chốt phiên ở 1.316,5 USD/ounce.
Ngoài ra, giá bạc tiếp tục giảm 1,3% xuống 18,59 USD/ounce sau khi đã xuống thấp nhất 2 tháng trong phiên trước. Bạch kim và palladium là hai kim loại quý giảm mạnh nhất và hiện đang chạm đáy ít nhất 1 tháng, với mức giảm lần lượt là 2,1% và 3,2%.
Trong phiên 30/8, thị trường vàng chịu áp lực lớn trước quan điểm lạc quan của nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách lãi suất, cũng như tín hiệu tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong buổi phỏng vấn vào hôm qua, Phó Chủ tịch của Fed Stanley Fischer một lần nữa nhấn mạnh lại quan điểm của Chủ tịch Janet Yellen trong bài phát biểu ngày 26/8. Ông Fischer nhận định, thị trường việc làm của Mỹ đang gần tới mức phát triển toàn diện và tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào thực trạng của nền kinh tế.
Ngay sau bài phát biểu của ông Fischer là báo cáo cho biết, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã chạm đỉnh 11 tháng trong tháng 8/2016. Giới đầu tư xem đây là một tín hiệu "xanh" cho Fed để sớm tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Kết quả là, giới đầu tư bắt đầu giao dịch mạnh hơn trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là đổ vốn vào USD với đánh giá lạc quan vào khả năng Fed sớm tăng lãi suất vào tháng 9/2016. Chỉ số đôla theo đó tăng 0,5% trong cả phiên và lên cao nhất 3 tuần. Trong đó, USD tăng giá so với cả yen, euro và bảng Anh.
Việc USD phục hồi cùng với lo ngại về dư thừa nguồn cung tiếp tục kéo giảm giá dầu thô trong phiên thứ 2. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 18% xuống 48,37 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,3% xuống 46,35%. Giá dầu mất đà tăng sau Viện Dầu mỏ Mỹ công bố báo cáo cho biết, tồn kho dầu thô tại nước đã tăng 942.000 thùng vào tuần trước.
Trong khi đó, việc giới đầu tư đánh giá lại khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối năm nay và diễn biến phục hồi của đồng bạc xanh đã khiến sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số chứng khoán MSCI Thế giới chốt phiên giảm 0,14% trong cả phiên.
Tại Mỹ, ba chỉ số chứng khoán lớn, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt giảm 0,35%, 0,28% và 0,32%. Trong đó, chỉ số S&P 500 đã giảm 4 trong 5 phiên giao dịch vừa qua nhưng vẫn rất gần với mức kỷ lục hồi đầu tháng.
Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 và STOXX 600 chốt phiên cũng lần lượt giảm 0,5% và 0,2%.
Tại châu Á, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương không đổi so với phiên trước do các thị trường chứng khoán trong khu vực biến động trái chiều. Trong khi một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Australia tăng điểm thì cổ phiếu tại Nhật Bản, Singapore, Malaysia lại giảm giá.