Unilever cảnh báo lạm phát có thể tiếp tục tăng cao sang năm tới
Tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever của Vương quốc Anh ngày 21/10 cảnh báo lạm phát có khả năng tăng tốc trong năm tới, gây áp lực lên các công ty hàng tiêu dùng khi họ phải tăng giá để cố gắng bù đắp cho giá năng lượng tăng cao và các chi phí khác.
Giám đốc tài chính của Unilever, ông Graeme Pitkethly, nhận định áp lực lạm phát sẽ chưa sớm nới lỏng - một bất lợi tiềm tàng đối với các ngân hàng trung ương đang hy vọng mức tăng giá đột biến hiện nay sẽ chỉ là tạm thời.
Theo ông, lạm phát trong năm 2022 có thể cao hơn năm nay và có khả năng đạt đỉnh vào nửa đầu năm tới.
Trong báo cáo kinh doanh công bố cùng ngày, Unilever đã báo cáo tăng trưởng doanh số quý III vượt kỳ vọng của thị trường.
Đồng thời, tập đoàn cũng giữ nguyên dự kiến tỷ suất lợi nhuận cả năm bất chấp những lo ngại về khả năng hạ dự báo trước đó của một số nhà phân tích.
Báo cáo cho hay trong quý kết thúc vào ngày 30/9, doanh số bán cơ bản của Unilever tăng 2,5% và cao hơn mức dự báo 2,2% của các nhà phân tích.
Mức tăng trưởng trên được hỗ trợ chủ yếu nhờ nhu cầu cao ở Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi mức tăng 4,1% về giá trị bù đắp lại sự sụt giảm 1,5% về doanh số bán.
Doanh số bán chất khử mùi, sản phẩm làm sạch da và kem tăng lên khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin được cải thiện ở các thị trường phát triển đã khuyến khích nhiều người dân ra ngoài mua sắm hơn.
Báo cáo của Unilever cũng nêu rằng hơn 2/3 lượng sụt giảm doanh số đến từ Đông Nam Á, nơi biến thể Delta khiến tình hình dịch bệnh ở đây diễn biến phức tạp và buộc các chính phủ phải mạnh tay kiểm soát dịch. Chính điều đó đã hạn chế hoạt động tiêu dùng tại các quốc gia này.
Ông Alan Jope, Giám đốc điều hành (CEO) của Unilever, cho biết tập đoàn đã và sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp đối phó trên các danh mục và thị trường của họ, cũng như đưa ra những mức định giá phù hợp và thực hiện một loạt các biện pháp đảm bảo năng suất để bù đắp chi phí gia tăng.
Thế giới đang trải qua giai đoạn lạm phát phi mã, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch đối mặt với tình trạng nguồn cung hạn chế còn nhu cầu tăng mạnh.
Chi phí nguyên liệu và năng lượng đang tăng cao, trong khi một số lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng hơn nữa bởi yêu cầu trả lương cao hơn vì họ gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân công.