|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng Mỹ ăn nên làm ra bất chấp lạm phát, khủng hoảng trần nợ

09:13 | 16/10/2021
Chia sẻ
Một báo cáo của Reuters cho thấy nhiều ngân hàng Mỹ ghi nhận doanh thu đáng kể từ các khoản ký gửi và vay nợ trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Các doanh nghiệp quản lý tài sản thuộc những ngân hàng hàng đầu của Mỹ đã có kết quả hoạt động kinh doanh cực kỳ xuất sắc trong quý III vừa qua, báo cáo mới nhất cho hay. Cụ thể, mức tiền kỷ lục đã được gửi vào các công ty quản lý tài sản, ngân hàng này và đồng thời, nhu cầu vay của khách hàng cũng tăng cao hơn rất nhiều so với trước đó.

Những ngân hàng quy mô lớn nhất tại Mỹ như Morgan Stanley Inc, JPMorgan Chase & Co, Bank of America Corp đều báo cáo mức tăng trưởng 2 con số về số dư tài khoản và doanh thu cho vay quản lý tài sản trong tuần này.

Trong khi đại dịch COVID-19 tàn phá phần lớn nền kinh tế Mỹ và khiến hàng triệu người mất việc làm, các biện pháp đặc biệt của chính phủ Tổng thống Biden nhằm giảm nhẹ cú đánh kinh tế cũng đã tác động đến tài sản, đầu tư của những người giàu có. Lãi suất được đẩy xuống mức thấp, thị trường chứng khoán cũng biến động liên tục.

Các ngân hàng Mỹ ăn nên làm ra bất chấp lạm phát, khủng hoảng trần nợ - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ làm ăn tốt trong quý III. (Nguồn: WTVB).

Tài sản tài chính toàn cầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục 250 nghìn tỷ USD vào năm 2020, theo một báo cáo công bố hồi tháng 6 của Boston Consulting Group. Điều đó cũng đã làm tăng nhu cầu đối với các doanh nghiệp quản lý tiền và tài sản, từ đó làm tăng tổng giá trị tài sản do các công ty môi giới này quản lý. Bên cạnh đó, xu hướng cũng khiến khách hàng vay vốn cảm thấy thu hút hơn.

Ông Devin Ryan, nhà phân tích tại Chứng khoán JMP, nhận định: "Ở mức cuối của phạm vi giá trị ròng cao, các sản phẩm cho vay rất lành mạnh và bạn đang thấy điều đó tại các công ty như Morgan Stanley, nơi số dư cho vay quản lý tài sản tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái".

Thực tế, mảng kinh doanh quản lý tài sản của Morgan Stanley báo cáo doanh thu 5,935 tỷ USD, tăng 28% so với năm ngoái. Số dư cho vay quản lý tài sản đạt 121 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là từ các khách hàng thế chấp và vay để đầu tư”.

Một lĩnh vực cho vay tăng trưởng bùng nổ trong các công ty môi giới quản lý tài sản là các khoản vay dựa trên chứng khoán hoặc hạn mức tín dụng, cho phép khách hàng vay tới một phần trăm nhất định giá trị tài khoản đầu tư của họ để chi tiêu cho bất kỳ thứ gì khác ngoài chứng khoán hiện có. Khi các tài khoản đầu tư đó tăng giá trị, thì các khoản cho vay cũng tăng theo.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch Wealth Management báo cáo doanh thu kỷ lục 4,5 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái, trong khi số dư cho vay tăng 10% lên 133 tỷ USD. Tại mảng kinh doanh quản lý tài sản và của cải của JPMorgan, doanh thu tăng 21% lên 4,3 tỷ USD, trong khi các khoản cho vay trung bình tăng 20% so với năm ngoái.

Cả Bank of America và JPMorgan đều cho biết động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho vay là các khoản cho vay dựa trên chứng khoán, sau đó là các khoản thế chấp và các khoản cho vay tùy chỉnh.

Morgan Stanley, công ty nhận được khoảng một nửa doanh thu từ quản lý tài sản, cho biết tài sản ròng mới tăng 89% lên 135 tỷ USD trong quý III so với quý trước, một phần nhờ việc mua lại một nhóm cố vấn hưu trí mang lại 43 tỷ USD.

Bank of America báo cáo rằng trong năm qua, mảng quản lý tài sản và cho vay tại Mỹ đã mang lại hơn 112 tỷ USD tài sản ròng mới trong hoạt động kinh doanh quản lý tài sản toàn cầu của mình. Trong khi đó, JPMorgan không chia tài sản ròng mới cho hoạt động kinh doanh quản lý tài sản và của cải của mình.

Thu Phương