Lời cảnh báo khi các ngân hàng Mỹ đang ngày càng một lớn hơn
Lần lượt các Thượng nghị sĩ như Elizabeth Warren và Sherrod Brown đã lên tiếng chỉ trích các ngân hàng hàng đầu về giao dịch của họ, với lo ngại việc sáp nhập này sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng bình thường và khiến các ngân hàng nhỏ hơn khó duy trì khả năng cạnh tranh.
Tính đến cuối quý I/2021, nước Mỹ có đến 52 ngân hàng có khối tài sản hơn 50 tỷ USD, tăng từ con số chỉ 39 ngân hàng hồi cuối năm 2017, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu S&P Global Market Intelligence.
Trong năm nay, ngân hàng PNC đã mua lại tập đoàn tài chính BBVA USA Bancshares. Thương vụ này đã khiến PNC sau đó trở thành ngân hàng lớn thứ 5 tại Mỹ tính theo tài sản. Cùng với đó, ngân hàng Huntington Bancshares (HBAN) cũng hợp nhất với ngân hàng TCF.
Ngoài ra, một số giao dịch khác được công bố vào đầu năm nay cũng đang chờ phê duyệt, bao gồm việc Ngân hàng M&T (MTB) mua lại People's United (PBCT), New York Community Bancorp (NYCB) mua lại Flagstar Bancorp (FBC) và Webster Financial (WBS) sáp nhập với Sterling Bancorp (SBT).
Sự tăng tốc của những thương vụ mua bán và sáp nhập được cho là hậu quả của những thay đổi trong các quy định về tài chính một vài năm qua. Năm 2018, sau khi các nhà lập pháp ra phán quyết yêu cầu các ngân hàng phải sở hữu tài sản lên đến 250 tỷ USD, chứ không phải "chỉ" 50 tỷ USD, để được coi là các Tổ chức tài chính quan trọng có hệ thống (SIFI), hàng loạt vụ sáp nhập ngân hàng đã được đăng ký.
Vào thời điểm đó, quy định mới khiến nước Mỹ chỉ có hơn 10 ngân hàng đủ lớn để được coi là một SIFI, bao gồm JPMorgan Chase (JPM), Bank of America (BAC), Wells Fargo (WFC), Citigroup (C), Truist (TFC), US Bancorp (USB) và PNC.
Những "tên tuổi" nằm trong danh sách SIFI thường phải đối mặt với nhiều sự kiểm tra giám sát hơn. Do đó, sự thay đổi tiêu chuẩn SIFI từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD đã mở ra cánh cửa để nhiều ngân hàng có quy mô trung bình "săn đón" đối thủ mà không phải lo sợ bị kiểm tra giám sát nghiêm ngặt và khó khăn hơn.
Trong khi đó, nền kinh tế được cải thiện cũng là tin tốt cho các ngân hàng. Các ngân hàng đã tận dụng lợi thế của sự thay đổi để "bắt tay" với nhau. Lý do cho kế sách này là khá rõ ràng, đó là các tổ chức lớn hơn có thể cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả để tăng lợi nhuận.
Đại dịch cũng tạo ra nhiều giao dịch hơn. Việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến các ngân hàng khó thu lợi từ các khoản cho vay do lãi suất được hạ xuống ngưỡng gần bằng 0, một viễn cảnh dự kiến sẽ kéo dài.
Điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh theo quý mới nhất của các ngân hàng hàng đầu. Trong đó, doanh thu trong quý II/2021 của JPMorgan Chase, Bank of America, Citi và BNY Mellon (BK) đã giảm so với một năm trước đó.
Mặc dù vậy, việc làn sóng M&A giữa các ngân hàng sẽ kéo dài bao lâu là một câu hỏi lớn. Điều đáng chú ý là những thay đổi gần đây nhất trong luật ngân hàng ở Washington đều được thực hiện dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và với Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã từng "đánh tiếng" về việc sẽ đưa ra một sắc lệnh nhằm rà soát kỹ lưỡng hơn các vụ mua bán, sáp nhập so với người tiền nhiệm của mình.
Một kịch bản có khả năng xảy ra đó là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, cùng với Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jesus "Chuy" Garcia, người đã từng giới thiệu dự luật Đạo luật rà soát quá trình sáp nhập ngân hàng vào tháng 12/2019, có thể tái giới thiệu Đạo luật này ngay bây giờ khi đảng Dân chủ đang chiếm đa số trong Thượng viện.
Mục tiêu của Đạo luật Warren-Garcia là "chấm dứt việc đưa ra quyết định một cách quá nhanh chóng đối với các yêu cầu sáp nhập ngân hàng". Kịch bản này nhiều khả năng sẽ nhận được sự đồng thuận từ Sherrod Brown, Thượng nghị sĩ Ohio đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị của Thượng viện.
Ông nói: "Chúng ta không thể để các ngân hàng lớn hợp nhất thành các ngân hàng lớn hơn và hơn thế nữa. Điều này sẽ khiến các ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh hơn và khiến khu vực nông thôn bị bỏ lại phía sau".