|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ứng xử thế nào với 'tour du lịch 0 đồng'?

08:46 | 23/04/2017
Chia sẻ
“Tour du lịch 0 đồng” là tên gọi của một mô hình kinh doanh du lịch mới được du nhập gần đây vào Việt Nam để thu hút khách du lịch Trung Quốc. Mô hình kinh doanh này được cho là đã giúp Việt Nam thu hút thêm được nhiều du khách Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian vừa qua. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2017 đạt 949.199 lượt, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần một phần ba tổng lượng du khách quốc tế tới Việt Nam. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách Trung Quốc vào Quảng Ninh, nơi mô hình kinh doanh này nở rộ, tăng đột biến, khoảng 5.000 lượt khách/ngày, dịp cuối tuần có thể từ 10.000-15.000 lượt khách/ngày.
ung xu the nao voi tour du lich 0 dong
Du khách Trung Quốc là nhóm khách chính của “tour 0 đồng”. (Ảnh: Minh Duy).

“Tour du lịch 0 đồng” như một mô hình kinh doanh mới

Xét về bản chất, “tour du lịch 0 đồng” là một mô hình kinh doanh du lịch giá rẻ nếu tất cả các bên đều thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, bên trong mô hình này tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.

Du lịch là một ngành dịch vụ đòi hỏi nhiều bên tham gia. Các bên tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gồm: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, doanh nghiệp lữ hành, lái xe và hướng dẫn viên, và các đơn vị cung ứng dịch vụ ăn ở, mua sắm, giải trí.

ung xu the nao voi tour du lich 0 dong

Thị trường cung ứng dịch vụ du lịch đang ngày càng trở lên cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, đặc biệt là với các du khách Trung Quốc. Mô hình “tour du lịch 0 đồng” đã xuất hiện ở Trung Quốc từ những năm 2003, sau đại dịch SARS, nhằm thu hút khách du lịch quay trở lại. Tuy nhiên, sau đó mô hình này đã được lan rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác như Hồng Kông, Thái Lan... nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc.

Với tour du lịch truyền thống, du khách trước hết sẽ tiếp cận doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch để đặt gói dịch vụ du lịch. Gói dịch vụ du lịch gồm các phí dịch vụ cơ bản như di chuyển, khách sạn, ăn uống và phí cho doanh nghiệp lữ hành đón khách tại điểm đến. Doanh nghiệp lữ hành có nhiệm vụ chính là dẫn tour cho du khách. Khách hàng sẽ tự quyết định nơi mua sắm và giải trí.

Với mô hình “tour du lịch 0 đồng”, doanh nghiệp lữ hành chủ động tiếp cận doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch để “mua” lại khách du lịch. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch không những không phải trả phí cho doanh nghiệp lữ hành mà còn được nhận thêm doanh thu do doanh nghiệp lữ hành trả tiền để “mua” lại khách du lịch. Bản thân du khách cũng không phải trả các loại phí như ăn, ở, đi lại, hướng dẫn... cho doanh nghiệp lữ hành tại nơi đến. Nhờ đó, giá của gói dịch vụ du lịch mà du khách phải trả cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch theo mô hình này sẽ thấp hơn đáng để so với gói truyền thống.

ung xu the nao voi tour du lich 0 dong

Như vậy, bản chất của “tour du lịch 0 đồng” là khách du lịch hầu như không phải trả bất kỳ phí dịch vụ nào cho doanh nghiệp lữ hành đón mình tại địa điểm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như chỗ ở và hành trình di chuyển đã được thỏa thuận trước đó với công ty cung cấp dịch vụ du lịch, du khách sẽ phải ghé qua một số các cửa hàng và khu vui chơi, giải trí nhất định. Và chính nhờ ăn phần trăm với các cửa hàng và điểm vui chơi giải trí thông qua hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành sẽ lấy lại phần vốn và lợi nhuận của mình. Nếu như ở mô hình truyền thống, các hướng dẫn viên như những người làm việc tự do và nhận 5-10% doanh thu từ các cửa hàng, khu vui chơi giải trí thì với mô hình “du lịch 0 đồng” con số này lên tới 60%. Và phần lợi ích này phần lớn sẽ được nộp lại cho doanh nghiệp lữ hành.

“Tour du lịch 0 đồng” như một hình thức cạnh tranh không lành mạnh

Thoạt nhìn, với mức giá giảm đáng kể, mô hình “tour du lịch 0 đồng” tỏ ra rất tiết kiệm vì du khách không phải trả thêm phí cho doanh nghiệp lữ hành ngoài chi phí di chuyển tới điểm đến. Thêm nữa, với đối tượng là người già và trung niên, việc mua sắm và tham gia các dịch vụ giải trí theo một lộ trình có sẵn còn tiết kiệm được thời gian và có độ tin tưởng cao. Tuy nhiên, tại chính Trung Quốc, mô hình “tour du lịch 0 đồng” này đã sớm bộc lộ là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ nhất, khách du lịch thường không được cung cấp đầy đủ thông tin về các địa điểm, sản phẩm trong lộ trình mua sắm, giải trí đặc biệt là mức giá. Điều này tạo điều kiện cho các cửa hàng cung cấp các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, xâm nhập vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Thêm nữa, do không được cung cấp và tham khảo thông tin về giá sản phẩm trên thị trường từ đầu, khách du lịch thường phải trả cái giá “cắt cổ” so với mức giá chung.

Thứ hai, do chịu sức ép từ các doanh nghiệp lữ hành nhằm thu lại nguồn vốn bỏ ra ban đầu, trong các cửa hàng thường xuất hiện hiện tượng cưỡng ép khách du lịch phải mua sắm. Đây rõ ràng là một hành vi vi phạm pháp luật.

Một điểm đáng lưu ý nữa là hầu hết các công ty lữ hành, cửa hàng, khu vui chơi giải trí, trong lộ trình tham quan của “tour du lịch 0 đồng” dường như đều là do người Trung Quốc đứng đằng sau. Nếu đúng như vậy, mô hình “tour du lịch 0 đồng” về bản chất là một mô hình kinh doanh khép kín của người Trung Quốc trên đất Việt Nam. Xét trên phương diện pháp luật cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị phân biệt đối xử trong việc cung ứng các dịch vụ cho du khách Trung Quốc.

Nên xử lý “tour du lịch 0 đồng” như thế nào?

Như vậy, xét về bản chất “tour du lịch 0 đồng” là một mô hình kinh doanh du lịch giá rẻ nếu tất cả các bên đều thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, bên trong mô hình này tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để bù đắp được chi phí và kiếm được lợi nhuận, các công ty lữ hành sẽ phải nghĩ ra các hình thức để “cưỡng ép” du khách sử dụng một số các loại dịch vụ hoặc hàng hóa có chất lượng tồi khác. Đây chính là lý do khiến cho các quốc gia/vùng lãnh thổ từ Trung Quốc đến Hồng Kông, và gần đây là Thái Lan, đã phải đưa ra các biện pháp để ngăn chặn hình thức kinh doanh này.

Tại Việt Nam, tuy việc hoạt động của “tour du lịch 0 đồng” chưa đạt tới mức báo động và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, việc sớm có những biện pháp thích hợp nhằm tạo ra một thị trường cung cấp dịch vụ du lịch cạnh tranh lành mạnh rõ ràng là điều cần thiết.

Trước mắt, cần tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán hàng hóa phục vụ khách du lịch để ngăn chặn các hoạt động bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh này phải phục vụ mọi đối tượng khách hàng chứ không chỉ là khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp ép giá, cưỡng giá khách du lịch khi bị phát hiện.

Hà Nguyễn - Đinh Tuấn Minh