UBCK sẽ nới rộng margin, thúc đẩy giao dịch điện tử và đại hội đồng cổ đông trực tuyến
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, cơ quan này ghi nhận ý kiến của tất cả các thành viên, trong đó có những kiến nghị sẽ được xử lý trong quá trình xây dựng thông tư, nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, có những kiến nghị xử lý ngay được thì UBCK sẽ xử lý để cùng thị trường vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay.
Kiến nghị xử lý ngay được, đó là việc nới dòng tiền margin vào TTCK. Ông Sơn yêu cầu Sở GDCK Hà Nội trong tuần tới có báo cáo trình UBCK đề xuất việc cho phép margin với các cổ phiếu tốt trên sàn UPCoM và đề xuất luôn danh sách các mã này. Theo ông Sơn, các cổ phiếu trên sàn UPCoM có chất lượng tương đương sàn niêm yết, việc mở dòng tiền margin vào các mã này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để đi đến quyết sách này, UBCK sẽ phải báo cáo Bộ Tài chính.
Liên quan đến dòng tiền margin trên sàn niêm yết, ý kiến từ Tổng giám đốc CTCK MBS Trần Hải Hà cho rằng, UBCK nên cho phép nới thời gian đáo hạn hợp đồng margin từ mức 3 tháng như hiện nay lên 6 tháng hoặc 9 tháng, để nhà đầu tư yên tâm hơn khi nắm giữ cổ phiếu. Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, UBCK ủng hộ đề xuất này và sẽ giao bộ phận chuyên môn rà lại quy định pháp lý, nếu cần sửa sẽ báo cáo Bộ Tài chính cho phép sửa lại điểm này.
Liên quan đến giải pháp giữ an toàn cho nhân viên, cho khách hàng trong giao dịch, UBCK cho biết, cơ quan này ủng hộ đề xuất giao dịch trên nền tảng số và thực thi các xác nhận ủy thác, giao dịch qua chữ ký điện tử thời đại dịch. Lãnh đạo UBCK cho biết, mảng việc này sẽ được UBCK cụ thể hóa khi xây dựng Thông tư mới hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tài chính trung gian trên thị trường.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đại chúng tổ chức đại hội an toàn, UBCK thúc đẩy Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thông tin mạnh mẽ về giải pháp họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hình thức trực tuyến. Đây là cách làm mà nhiều TTCK phát triển đã áp dụng, tuy nhiên ở Việt Nam, các DN đại chúng, kể cả DN niêm yết vẫn chưa quen thực hiện theo cách này. UBCK cũng đốc thúc VSD xem xét lại biểu phí trên thị trường phái sinh, nhất là khoản phí với hợp đồng tương lai. Nếu có thể giảm được cho nhà đầu tư thì cần giảm để hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.
Nhiều công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ kiến nghị việc giảm phí và giá các dịch vụ đang được Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP. HCM và VSD cung cấp ở mức chỉ thu 50% so với hiện nay. Tuy nhiên, kiến nghị này không nằm trong thẩm quyền quyết định của UBCK mà là ở Bộ Tài chính. Được biết, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng đã có công văn kiến nghị Bộ Tài chính về 12 giải pháp cần làm thời đại dịch, trong đó có kiến nghị giảm phí, giảm thuế, giảm thủ tục hành chính, sửa nhiều quy định pháp lý đang gây vướng mắc trên thị trường.
Thống kê của UBCK cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã lan sang 68 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc, Iran và châu Âu trở thành tâm dịch mới. Hàng loạt các TTCK giảm sâu, trong đó TTCK Mỹ giảm rất mạnh trong tuần cuối tháng 2 (giảm 11,1%), Đức giảm 8,9%, Pháp giảm 8,9%, Anh giảm 8,2%, Nhật giảm 9,6%, Indonesia giảm 9,3%...
Trong bối cảnh chung đó, TTCK suy giảm ở mức trung bình so với quốc tế với thanh khoản đạt trên 4.000 tỷ đồng/phiên cho thấy, thị trường Việt Nam chưa ở mức đáng lo ngại, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trung gian vững vàng hơn nhiều so với giai đoạn 2008, khi phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo ông Sơn, cũng như nhiều TTCK quốc tế, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng bất ngờ bởi dịch bệnh nên thiệt hại cho các thành viên tham gia là khó tránh khỏi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với việc Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh và nền tảng kinh tế vĩ mô hiện nay là vững chắc, việc thị trường giảm sâu chủ yếu là do tâm lý do sợ hãi chi phối.
Lãnh đạo UBCK đốc thúc người đứng đầu các tổ chức tài chính trung gian cần vững niềm tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đang thực hiện, vào sức bền của thị trường, để góp sức trấn an mối lo lắng quá đà của nhà đầu tư. Trong kịch bản xấu nhất, nếu dịch Corona đến quý II/2020 mới khống chế được thì theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng ở mức 6,09%.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các quỹ đầu tư tỷ USD như Eastpring Investments, VinaCapital chia sẻ, hoạt động đầu tư, tái cơ cấu danh mục của quỹ vẫn diễn ra bình thường. Quỹ không có ý định giảm tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, các quỹ cần nhà quản lý cho phép thực thi các giải pháp kết nối với Sở, với VSD, với khách hàng để xử lý mọi giao dịch qua nền tảng công nghệ, để đảm bảo sự vận hành bình thường của dòng tiền ngay cả trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến việc phải cách ly để đảm bảo an toàn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/