|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lo ngại hiệu ứng tuyết lăn vì call margin sau hai phiên bán tháo: Hé lộ tiền cho vay kí quĩ của các CTCK

12:08 | 01/02/2020
Chia sẻ
Sau hai phiên bán tháo, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc "call margin" từ các công ty chứng khoán sẽ gây ra "hiệu ứng tuyết lăn" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vốn hóa HOSE "bốc hơi" hơn 8 tỉ USD vì virus corona, NĐT lo ngại kịch bản "call margin"

Phiên giao dịch thứ hai của năm Canh Tý (31/1) tiếp tục ghi nhận việc giảm điểm sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết phiên, VN-Index giảm 22,96 điểm (2,39%) xuống 936,62 điểm; HNX-Index giảm 1,68% xuống 102,36 điểm; UPCoM-Index giảm 1,08% xuống 55,13 điểm.

Xu hướng bán tháo tiếp tục diễn ra khi thanh khoản của thị trường duy trì ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 322 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.618 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 865 tỉ đồng.

Như vậy, chỉ trong hai phiên giao dịch 30 - 31/1, VN-Index giảm tổng cộng 54,84 điểm. Vốn hóa thị trường sàn HOSE "bốc hơi" 187.332 tỉ đồng (tương đương hơn 8 tỉ USD), xuống còn 3.201.710 tỉ đồng.

Trong bối cảnh thị trường liên tục giảm sâu, đặc biệt là các mã bluechip thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản, hàng không, một kịch bản được không ít NĐT nghĩ đến là việc gọi kí quĩ (call margin - PV) của các công ty chứng khoán trong các phiên giao dịch sắp tới. 

Tình hình về cho vay kí quĩ (margin) tại các CTCK như thế nào là một chủ đề được khá nhiều NĐT quan tâm thời điểm hiện tại. Đánh giá việc bán tháo tác động đến hoạt động của các công ty chứng khoán đi cùng xu hướng thị trường chung khiến các mã cổ phiếu nhóm Chứng khoán giảm sâu trong hai phiên vừa qua.

CTCK đang cho vay margin bao nhiêu tiền?

Theo dữ liệu người viết thống kê, tính đến ngày 31/12/2019, tổng giá trị cho vay kí quĩ từ 27 công ty chứng khoán đạt 45.827 tỉ đồng, tăng 8.244 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2018, tương đương tỉ lệ tăng gần 22%.

Công ty chứng khoán đang cho vay margin - Ảnh 1.

Dữ liệu thống kê tại ngày 31/12/2019, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) vượt Chứng khoán SSI trở thành công ty cho vay margin lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị 7.006 tỉ đồng, tăng 3.585 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.

Mức tăng trưởng về giá trị cho vay margin của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng dẫn đầu thị trường. Trong năm 2019, công ty này cũng tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỉ đồng và trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam.

Theo sau đó, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) cũng tăng giá trị cho vay margin thêm 1.537 tỉ đồng trong năm 2019, đạt 4.680 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Tương tự như Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Chứng khoán HSC tăng vốn điều lệ từ 1.298 tỉ đồng lên 3.059 tỉ đồng trong năm 2019.

Đứng thứ ba về giá trị tăng trưởng cho vay margin là Chứng khoán VPS với giá trị 998 tỉ đồng. Tính đến 31/12/2019, dư nợ cho vay kí quĩ của CTCK này đạt 2.371 tỉ đồng.

Về phía CTCK lớn thứ hai trên TTCK Việt Nam, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đi ngược xu hướng chung khi giảm giá trị cho vay margin 602 tỉ đồng xuống còn 5.286 tỉ đồng. Trong năm 2019, vốn điều lệ của Chứng khoán SSI không thay đổi, giữ ở mức 5.100 tỉ đồng, tụt hạng từ vị trí dẫn đầu xuống trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn thứ hai trên thị trường.

Cùng với Chứng khoán SSI, một số công ty chứng khoán khác cũng giảm giá trị cho vay margin trong năm 2019 như Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS), Bảo Việt (BVSC), Phú Hưng (PHS), Tân Việt (TVSI) và VietinbankSC.

Điều đáng nói, động thái giảm cho vay margin từ 1.794 tỉ đồng xuống còn 1.545 tỉ đồng diễn ra trong bối cảnh Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội thực hiện tăng vốn điều lệ gấp đôi từ 1.054 tỉ đồng lên 2.073 tỉ đồng.

Công ty chứng khoán đang cho vay margin - Ảnh 2.

Trong nhóm những công ty chứng khoán cho vay margin trên 1.000 tỉ đồng, một số công ty tăng giá trị cho vay không bằng hình thức tăng vốn chủ sở hữu mà thông qua các nguồn tài chính khác như trái phiếu, vay ngân hàng hoặc từ nguồn lợi nhuận giữ lại như Bản Việt, VNDirect, MBS, FPTS, VCBS.

NĐT chưa kịp hạ margin nên làm gì lúc này?

Lo ngại hiệu ứng tuyết lăn vì gọi kí quĩ (call margin) sau hai phiên bán tháo - Ảnh 3.

Thanh khoản ở mức thấp trước nghỉ Tết âm lịch, NĐT đã "thoát hàng, giảm margin" trước nghỉ lễ?

Những phân tích về sự tăng trưởng cho vay margin của các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối năm 2019 cho thấy những lo ngại về việc "call margin" khi thị trường liên tục giảm sâu là có cơ sở.

Một điều may mắn là trước khi đợt bán tháo diễn ra, thị trường chứng khoán Việt Nam nghỉ Tết nguyên đán trong 7 ngày, có thể NĐT đã hạ tỉ lệ margin để tránh việc phải trả lãi vay trong những ngày nghỉ lễ.

Tuy nhiên, dữ liệu giao dịch cho thấy, việc thanh khoản tại 4 phiên giao dịch trước nghỉ lễ duy trì ở mức thấp nhất trong 3 tháng cho thấy việc NĐT có thể giảm tỉ lệ vay kí quĩ là không cao. Như vậy, NĐT nên làm gì lúc này?

Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NĐT nên giảm tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức thấp 10 - 20% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỉ trọng lớn có thể tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỉ trọng.

Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) khuyến nghị NĐT hạ đòn bẩy với các NĐT đang nắm nhiều cổ phiếu, nhưng Không bán hoảng loạn bằng mọi giá. Cùng với đó, giảm tỷ trọng các cổ phiếu trong các ngành có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ dịch bệnh, nhất là với NĐT ngắn hạn.

Còn theo khuyến nghị của Chứng khoán MBS, "với hai phiên gỉam vừa qua, các ngưỡng hỗ trợ không phát huy tác dụng. Các nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thị trường, chưa vội mở thêm vị thế mới".

Nhưng "trong nguy luôn có cơ", dữ liệu được Chứng khoán BSC tổng hợp, trung bình trong khoảng thời gian dịch bắt đầu bị kiềm chế, TTCK thế giới thường tăng lại mạnh. Tỉ lệ tăng trung bình là 0,4% sau 1 tháng, 3,08% sau 3 tháng và 8,5% sau 6 tháng. Do đó, "ngắn hạn là rủi ro, trung dài hạn lại là cơ hội", báo cáo của Chứng khoán BSC nêu.

Phan Quân