|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thu cho vay vượt môi giới: Thấy gì khi các đại gia Hàn Quốc đẩy mạnh bơm tiền cho vay margin?

17:49 | 21/02/2020
Chia sẻ
Lãi cho vay và khoản phải thu của các công ty chứng khoán đã vượt doanh thu môi giới, hoạt động cho vay margin trở thành "miếng bánh ngọt" cho đại gia ngoại đang "bơm tiền" mạnh.
Doanh thu môi giới - Ảnh 1.

Cuộc chiến giữa các "đại gia" mới nổi và những CTCK lớn. Đồ họa: Alex Chu

[Phần 1] Cuộc đổ bộ của các đại gia chứng khoán Hàn Quốc: Không chỉ là câu chuyện thị phần, sức ép đến bài toán kinh doanh

[Phần 2] Miễn phí giao dịch chứng khoán: Đại gia nội kinh doanh giảm sút, người tiên phong phá giá lại hái tiền 

Thị phần giảm, doanh thu môi giới của các ông lớn lao dốc

Bài phân tích trước đó cho thấy một bức tranh kinh doanh không mấy tươi sáng của các công ty chứng khoán nội. Vậy các hoạt động cốt lõi gồm tự doanh, môi giới, cho vay kí quĩ và tư vấn, bảo lãnh phát hành như thế nào trong năm qua? 

Dữ liệu thống kê của người viết tại 21 CTCK, tổng doanh thu môi giới năm 2019 đạt 3.876 tỉ đồng, giảm 33,75% so với năm 2018. Những nguyên nhân chính khiến mảng hoạt động "hái tiền" này sụt giảm mạnh là diễn biến thị trường không tốt, thanh khoản sụt giảm, vắng bóng các thương vụ lớn và sức ép cuộc đua miễn phí giao dịch.

Có thể nói rằng, năm 2019 phân hóa mạnh về doanh thu môi giới giữa các CTCK trong nước và các doanh nghiệp ngoại. Điển hình, cả 5 CTCK dẫn đầu về thị phân môi giới trên thị trường đều có doanh thu môi giới giảm mạnh.  

Thu cho vay đã vượt môi giới: Thấy thì khi các đại gia Hàn Quốc đẩy mạnh bơm tiền cho vay margin? - Ảnh 2.

Công ty lớn nhất là Chứng khoán SSI (Mã: SSI) ghi nhận doanh thu môi giới giảm 48,5% năm 2019, xuống còn 582 tỉ đồng. Trong năm qua, thị phần môi giới trên HOSE của Chứng khoán SSI giảm xuống còn 13,96%, tương đương mất 4,74%.

Một đơn vị từng ghi nhận doanh thu môi giới nghìn tỉ đồng từ nghiệp vụ môi giới năm 2018 là Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI) cũng báo cáo kết quả lao dốc. Đây là đơn vị dẫn đầu về tỉ lệ giảm doanh thu môi giới với 57,35%, xuống còn 434 tỉ đồng. Năm 2019, thị phần môi giới trên HOSE của Bản Việt giảm 2,76 điểm %.

Với thị phần môi giới lớn thứ hai, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) ghi nhận doanh thu môi giới năm 2019 sụt giảm 37,02% xuống còn 478 tỉ đồng. 

Không khả quan hơn, thu từ hoạt động môi giới của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) và Chứng khoán MB (Mã: MBS) giảm lần lượt 35,38% và 37,34%, xuống 336 tỉ đồng và 250 tỉ đồng.

Đối với những CTCK có qui mô vừa và nhỏ, thu từ hoạt động môi giới cũng giảm mạnh với tỉ lệ trên 30% như Chứng khoán BIDV (giảm 32,84%), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (giảm 47,97%), Chứng khoán FPT (giảm 41,8%), Chứng khoán Rồng Việt (giảm 31,25%) và VietinbankSC (giảm 31,58%),

Xu hướng đối lập, một số CTCK theo đuổi chiến lược giá rẻ về phí giao dịch và cho vay margin có doanh thu môi giới tăng trưởng năm qua, đặc biệt là nhóm công ty ngoại.

Đại diện trong số đó, Chứng khoán VPS vươn lên đứng thứ 5 về doanh thu môi giới trong năm 2019, đạt 252 tỉ đồng, tăng 56,52% so với năm 2018. Đây là đơn vị đang giữ vị trí "độc tôn" khi chiếm gần một nửa thị phần môi giới chứng khoán phái sinh.

Cùng với VPS, doanh thu môi giới của Mirae Asset (Việt Nam) tăng 17,83%, lên 152 tỉ đồng. Ghi nhận kết quả tốt hơn, thu từ hoạt động môi giới của Chứng khoán KB Việt Nam và Yuanta Việt Nam tăng lần lượt 90,2% và 62,16% trong năm 2019.

Xét trên số liệu tuyệt đối, giá trị tăng trưởng về doanh thu của các CTCK nêu trên còn thấp nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy cuộc chiến về thị phần tác động phần nào đến doanh thu môi giới của các CTCK nội, đặc biệt là nhóm dẫn đầu thị trường.

Thấy gì khi các CTCK Hàn Quốc "vung tiền" cho vay?  

Với góc nhìn đơn thuần về qui luật thị trường, việc các CTCK tiên phong trong cuộc chiến giá rẻ để chiếm thị phần lại ghi nhận doanh thu môi giới khởi sắc khiến giới đầu tư cảm thấy rằng đây như một nghịch lí. Nhưng nghịch lí trên lại trở nên hợp lí hơn khi nhìn sang hoạt động cho vay kí quĩ (margin) của các CTCK.

Tổng hợp dữ liệu tại ngày 31/12/2019, 21 CTCK lớn nhất thị trường đang cho vay kí quĩ  48.363 tỉ đồng, tăng 9.803 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2018. Nổi bật trong nhóm này là động thái "vung tiền" cho vay kí quĩ của các CTCK ngoại. Minh chứng là trong số 7 công ty tăng trưởng cho vay kí quĩ mạnh nhất, có đến 5 CTCK ngoại.

Thu cho vay đã vượt môi giới: Thấy thì khi các đại gia Hàn Quốc đẩy mạnh bơm tiền cho vay margin? - Ảnh 3.

Mirae Asset (Việt Nam) là công ty có tăng trưởng cho vay kí quĩ mạnh nhất năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, giá trị cho vay margin của "đại gia" Hàn Quốc này là 7.006 tỉ đồng, tăng 3.585 tỉ đồng so với cuối năm 2018, trở thành công ty có qui mô cho vay lớn nhất thị trường.

Các CTCK ngoại khác cũng đẩy mạnh "bơm tiền" cho vay kí quĩ như KIS Việt Nam (tăng 888 tỉ đồng), KB Việt Nam (tăng 841 tỉ đồng), Yuanta Việt Nam (tăng 445 tỉ đồng), MayBank Kim Eng (tăng 430 tỉ đồng).

"Ông lớn" mới nổi trong nước - Chứng khoán VPS cũng tăng qui mô cho vay margin thêm 998 tỉ đồng, lên 2.371 tỉ đồng tính đến cuối năm 2019. 

Tăng vốn thành công năm vừa qua, qui mô cho vay margin của Chứng khoán HSC tăng thêm 1.537 tỉ đồng năm 2019, đạt 4.680 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2019. Trong khi đó, các CTCK nội còn lại không có nhiều biến động trong hoạt động cho vay kí quĩ như VNDirect, Bản Việt, BSC, FPTS. 

Đáng quan tâm hơn, Chứng khoán SSI giảm qui mô cho vay kí quĩ 602 tỉ đồng, xuống còn 5.286 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2019. Một số CTCK khác cũng giảm qui mô cho vay như Sài Gòn - Hà Nội, Bảo Việt, VietinbankSC, Rồng Việt và Phú Hưng.

Trở lại chiến lược đẩy mạnh cho vay margin, nguồn thu từ cho vay là mục tiêu song hành việc chiếm thị phần của các đại gia ngoại đang đẩy mạnh "bơm tiền". Khoản lãi cho vay và khoản phải thu của 21 CTCK đã vượt hoạt động môi giới, đạt tổng cộng 5.630 tỉ đồng năm 2019, tăng 789 tỉ đồng so với năm trước đó.

Thu cho vay đã vượt môi giới: Thấy thì khi các đại gia Hàn Quốc đẩy mạnh bơm tiền cho vay margin? - Ảnh 4.

Tăng mạnh so với năm 2018, thu từ cho vay và phải thu của Mirae Asset (Việt Nam) tăng đột biến từ 211 tỉ đồng lên 572 tỉ đồng trong năm 2019. Khoản thu này của KB Việt Nam và KIS Việt Nam cũng tăng lần lượt 122 tỉ đồng và 94 tỉ đồng, lên 201 tỉ đồng và 216 tỉ đồng. Thu cho vay và phải thu của Yuanta Việt Nam cũng tăng 106 tỉ đồng, đạt 173 tỉ đồng trong năm 2019.

Trái xu hướng với các CTCK ngoại, các công ty nội bị thu hẹp nguồn thu từ hoạt động cho vay và phải thu. Điển hình, lãi từ cho vay và phải thu của Chứng khoán Bản Việt giảm 111 tỉ đồng, Chứng khoán SSI (công ty mẹ) cũng giảm 38 tỉ đồng. Các CTCK khác cũng bị thu hẹp trong mảng này như HSC, VCBS, FPTS và VNDirect.

Từ những phân tích trên cho thấy rằng, thị phần môi giới và tiềm năng từ hoạt động cho vay đang là hai mục tiêu song hành mà các CTCK ngoại đang hướng tới.

"Bản thân các công ty nội cũng cần phải có sự đổi mới lên"

Nói về động thái miễn phí giao dịch và bơm vốn của CTCK ngoại, tại một sự kiện được tổ chức cuối năm 2019, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà Nước đánh giá cạnh tranh bằng chất lượng còn phí giao dịch chỉ là một phần. Việc tăng cường cho vay khiến các CTCK này đối mặt với những rủi ro khi thị trường đi xuống.

"Cuộc đua này không chỉ là cuộc đua về vốn, vốn chỉ là một phần trong hoạt động của công ty. Bây giờ mình mở cửa rồi nên phải chấp nhận. Tôi nghĩ tính tuân thủ của các công ty ngoại tương đối tốt".

Về quản trị, các công ty ngoại tốt hơn vì có bề dày kinh nghiệm hơn ở một thị trường cao cấp hơn và hệ thống vốn tốt hơn. Đầu tiên, phải học các công ty ngoại vì công ty mình yếu, sau đó xây dựng thị trường ngách riêng vì mỗi công ty có thế mạnh riêng, ông Phạm Hồng Sơn đánh giá.

Cuối cùng, trong bối cạnh cạnh tranh trở nên mạnh mẽ hơn giữa các CTCK, Phó Chủ tịch UBCK nhấn mạnh "nhìn nhận khách quan hơn, bản thân công ty nội cũng cần phải có sự đổi mới lên".

Sức ép gia tăng từ cuộc chiến về phí giao dịch, một số CTCK đang lựa chọn chiến lược phát triển hoạt động quản trị tài sản và tư vấn đầu tư.

[Bài tiếp theo] - Bẻ lái sang quản lí tài sản có là "lốt thoát" cho công ty chứng khoán nội?


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lợi Hoàng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.