|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cuộc đổ bộ của các đại gia chứng khoán Hàn Quốc: Không chỉ là câu chuyện thị phần, sức ép đến bài toán kinh doanh

17:05 | 19/02/2020
Chia sẻ
Năm 2019, chiến lược giá rẻ về phí giao dịch và cho vay margin khiến nhiều công ty chứng khoán lớn mất thị phần vào tay các đại gia mới nổi. Điển hình trong đó là sự hiện diện của các đại gia chứng khoán Hàn Quốc.
Cuộc đổ bộ của các đại gia chứng khoán Hàn Quốc: Không chỉ là câu chuyện thị phần, sức ép đến bài toán kinh doanh - Ảnh 1.

Cuộc đổ bộ của các "đại gia" chứng khoán Hàn Quốc tại Việt Nam. Đồ họa: Alex Chu

Hàng loạt "ông lớn" mất thị phần khi cuộc chiến phí giao dịch giá rẻ kích hoạt

Đầu năm 2020, dữ liệu về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quĩ và chứng khoán phái sinh của các công ty chứng khoán (CTCK) năm vừa qua được HOSE và HNX công bố khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ. 

Tại sàn HOSE, 5 CTCK dẫn đầu đều mất thị phần vào những công ty nhóm dưới bảng xếp hạng. Hai cái tên mới xuất hiện trên bảng xếp hạng thị phần môi giới trên HOSE năm 2019 là Mirae Asset (Việt Nam) và Chứng khoán VPS với vị trí thứ 6 và thứ 7. Công ty ngoại khác là KIS Việt Nam cũng lọt Top10 với 3,08% thị phần.

Tình trạng mất thị phần của các "ông lớn" tiếp tục diễn ra trên sàn HNX. Với chiến lược miễn phí phí giao dịch, Chứng khoán VPS lọt Top5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên sàn này. Mirae Asset (Việt Nam) cũng gia nhập Top10, đứng vị trí thứ 8 với 4,5% thị phần.

Trên thị trường UPCoM, Chứng khoán VPS vươn lên đứng thứ ba về thị phần môi giới năm 2019 với 8,34%. Quí cuối cùng năm 2019, CTCK này vươn lên đứng thứ hai.

Đáng chú ý nhất, báo cáo tổng kết thị phần môi giới chứng khoán phái sinh cho thấy Chứng khoán VPS giữ vị thế "độc tôn", chiếm gần một nửa thị trường (49,87% thị phần).

Sự biến động về thị phần môi giới trên toàn thị trường trong năm 2019 gắn liền với sự nổi lên các CTCK ngoại và công ty đang theo đuổi chiến lược miễn phí phí giao dịch ngay sau khi qui định về mức sàn phí giao dịch được Bộ Tài chính ban hành đầu năm 2019.

Nổi bật trong cuộc đua giá rẻ về phí giao dịch và lãi suất cho vay kí quĩ là các CTCK ngoại, đặc biệt là các công ty Hàn Quốc. Đã có đơn vị trong nhóm này thực hiện chính sách miễn phí giao dịch trọn đời cho các nhà đầu tư.

4 công ty chứng khoán hàng đầu Hàn Quốc đều đã hiện diện tại Việt Nam

Nói về cuộc chiến khốc liệt về thị phần hiện nay, các "đại gia" chứng khoán Hàn Quốc đã có cả một thập kỉ để thâu tóm các CTCK nội. Chúng ta cùng nhìn lại một số sự kiện đã diễn ra trong thập kỉ qua.

Mở đầu, tháng 12/2010, Korea Investment & Securities (KIS) đã mua lại cổ phần của Chứng khoán Gia Quyền (EPS) sau đó đổi tên thành Chứng khoán KIS Việt Nam vào tháng 3/2011.

Vào tháng 7/2015, Công ty Shinhan Investment Corportion mua lại Chứng khoán Nam An và đổi tên thành Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (NASC) vào tháng 2/2016.

Tháng 11/2017, Chứng khoán Woori CBV chuyển nhượng gần 6,62 triệu cp, tương đương 49% từ 15 nhà đầu tư cá nhân trong nước cho Chứng khoán NH Việt Nam, nâng tỉ lệ sở hữu lên 96,15%. Tháng 4/2018, thương vụ mua lại Chứng khoán Woori CBV kết thúc, UBCKNN thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán với CTCK này và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán cho Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam (NH Investment & Securities Co., Ltd).

Cũng trong năm 2017, Công ty TNHH KB Securities hoàn thành thương vụ mua lại 99,4% CTCP Chứng khoán Maritime (MSI). Giá trị thương vụ này vào khoảng 31 triệu USD. Cuối năm 2018, Chứng khoán KB tăng vốn đợt 1 lên 1.107 tỉ đồng. Tháng 2/2019, Chứng khoán KB tăng vốn điều lệ lên 1.675 tỉ đồng.

Tháng 5/2019, Chứng khoán và Đầu tư Hanwha (Hàn Quốc) hoàn tất thương vụ mua 90,05% cổ phần tại CTCP Chứng khoán HFT với giá trị khoảng 4,3 triệu USD. Sau đó, công ty được đổi tên thành Chứng khoán Pinetree.

Mới đây nhất, giữa tháng 12/2019, Tập đoàn tài chính JB Financial Group (Hàn Quốc) cho biết chi nhánh Ngân hàng Kwangju đã kí thỏa thuận mua lại Morgan Stanley Gateway Securities tại Việt Nam với giá 382,4 tỉ đồng Việt Nam (16,5 triệu USD). Ngân hàng Kwangju, thuộc sở hữu 100% của JB Financial, cũng sẽ tăng vốn của CTCK này lên 600 tỉ đồng.

Như vậy, đến cuối năm 2019, cả 4 CTCK lớn nhất tại Hàn Quốc đều đã hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities. Ngoài ra còn có các "ông lớn" khác trong ngành tài chính khác tại Hàn Quốc như đã nêu trên.

Cuộc đổ bộ của các đại gia chứng khoán Hàn Quốc: Không chỉ là câu chuyện thị phần, sức ép đến bài toán kinh doanh - Ảnh 2.

Đồ họa: Alex Chu

Nói về động thái mua lại các CTCK của các đối tác Hàn Quốc, tại một sự kiện tổ chức cuối tháng 12/2019, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc các CTCK lớn nhất Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam và tăng vốn rất nhanh là điều tốt vì tạo ra lực cầu cho thị trường.

"Bản thân các CTCK Việt Nam tăng vốn là khó. Hiện nay công ty chứng khoán lớn nhất là SSI vốn điều lệ hơn 5.000 tỉ đồng. Việc vốn yếu ảnh hưởng đến bảo lãnh phát hành. Thực sự, việc vốn ngoại vào Việt Nam là tốt", Phó Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh.

Trên một góc độ khác, Phó Chủ tịch UBCKNN cũng cho rằng với tiềm lực về tài chính lớn, các công ty Hàn Quốc mua lại CTCK nội cũng góp phần tái cấu trúc lại ngành, trong bối cảnh nhiều công ty đang rất yếu về tài chính.

Tiềm lực tài chính khủng của các "đại gia" chứng khoán Hàn Quốc

Nói về câu chuyện "buôn tài không bằng dài vốn", một yếu tố cốt lõi trong cuộc chiến thị phần đó là tiềm lực tài chính của các "đại gia" chứng khoán xứ kim chi. Tính đến ngày 30/9/2019, CTCK lớn nhất tại Hàn Quốc là Mirae Asset Deawoo có tổng tài sản khoảng 68.483 tỉ won (tương đương 1,4 triệu tỉ đồng).

Dư nợ cho vay của CTCK này là 4.864 tỉ won (tương đương 95.042 tỉ đồng). Quy mô cho vay kí quĩ chỉ tính riêng Mirae Asset Deawoo như trên gấp đôi tổng giá trị cho vay kí quĩ của 27 CTCK lớn nhất tại Việt Nam (gần 46.000 tỉ đồng).

Lưu ý rằng, giá trị cho vay kí quĩ của Mirae Asset Deawoo vẫn còn thấp hơn so với NH Securities and Investment (6.342 tỉ won), KB Securities (5.543 tỉ won) tại thời điểm 30/9/2019. Điều này càng cho thấy tiềm lực tài chính lớn của các CTCK Hàn Quốc.

Cuộc đổ bộ của các đại gia chứng khoán Hàn Quốc: Không chỉ là câu chuyện thị phần, sức ép đến bài toán kinh doanh - Ảnh 3.

Nguồn: Lợi Hoàng

Hưởng lợi từ nguồn tài chính dồi dào của công ty mẹ, trong năm 2019, Mirae Asset (Việt Nam) tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỉ đồng, trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Cùng với đó, đây cũng là CTCK có tăng trưởng dư nợ cho vay kí quĩ lớn nhất thị trường năm qua, đạt hơn 7.000 tỉ đồng.

Giá trị tăng trưởng cho vay kí quĩ của Mirae Asset (Việt Nam) trong năm 2019 nhiều hơn tổng giá trị tăng trưởng cho vay kí quĩ của 7 CTCK nội đứng sau gồm (SSI, HSC, Bản Việt, VNDirect, MBS, VPS và TCBS). Kết quả là, công ty chứng khoán này bất ngờ vươn lên đứng thứ 6 về thị phần trên sàn HOSE năm vừa qua.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng, trong năm 2019, chỉ có 3 CTCK thực hiện tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.000 tỉ đồng gồm có Mirae Asset (Việt Nam), HSC và Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Các CTCK còn lại gần như không có thay đổi gì về vốn điều lệ.

Những phân tích trên cho thấy rằng trong bối cảnh các CTCK nội còn đang loay hoay với bài toán tăng vốn, sự hậu thuẫn của các công ty mẹ đã giúp CTCK Hàn Quốc tại Việt Nam trở nên lợi thế hơn trong cuộc chiến giành giật thị phần.

Theo thống kê của người viết, chiến lược giá rẻ về phí giao dịch và cho vay kí quĩ không chỉ chia lại "chiếc bánh" thị phần mà còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các CTCK trên thị trường trong năm vừa qua. 

[Phần tiếp theo] Miễn phí giao dịch chứng khoán: Đại gia nội kinh doanh giảm sút, người tiên phong phá giá lại hái tiền 

Lợi Hoàng