|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Miễn phí giao dịch chứng khoán: Đại gia nội kinh doanh giảm sút, người tiên phong phá giá lại hái tiền

17:42 | 20/02/2020
Chia sẻ
Thanh khoản thị trường giảm mạnh và sự cạnh tranh khốc liệt khi cuộc chiến phí giao dịch giá rẻ được kích hoạt khiến không ít công ty chứng khoán lớn như SSI, HSC, Bản Việt, Sài Gòn - Hà Nội có kết quả kinh doanh lao dốc.
Công ty chứng khoán - Ảnh 1.

Sức ép đối với các công ty chứng khoán nội trong cuộc cạnh tranh giá rẻ với các đại gia ngoại. Ảnh: Lợi Hoàng

Phần trước: Cuộc đổ bộ của các đại gia chứng khoán Hàn Quốc: Không chỉ là câu chuyện thị phần, sức ép đến bài toán kinh doanh

Bức tranh kinh doanh màu xám của CTCK nội năm 2019, hàng loạt "ông lớn" lao dốc

Tiếp tục câu chuyện công ty chứng khoán kinh doanh ra sao trong bối cảnh cuộc chiến giá rẻ về phí giao dịch và cho vay margin trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Nhìn về tổng quan toàn ngành, bức tranh kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán không mấy tươi sáng. Theo dữ liệu tổng hợp của FinnPro với 62 công ty chứng khoán cho thấy tổng doanh thu của các công ty trong năm 2019 đạt 25.363 tỉ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với năm 2018. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 7.181 tỉ đồng, giảm gần 6%.

Nguyên nhân của kinh doanh kém sắc đến từ việc hầu hết các công ty nhóm đầu đều ghi nhận kết quả đi lùi trong năm vừa qua. 

Công ty chứng khoán - Ảnh 2.

Đồ họa: Alex Chu

Theo thống kê, trong 10 công ty có doanh thu hoạt động lớn nhất thị trường, ghi nhận 5 CTCK có kết quả đi lùi trong năm vừa qua. Điển hình, với việc giảm mạnh thị phần, doanh thu của Chứng khoán SSI, Chứng khoán HSC, Bản Việt, MBS, Sài Gòn - Hà Nội đều giảm mạnh trong năm nay. 

Vị trí dẫn đầu, doanh thu hoạt động của Chứng khoán SSI (Mã: SSI) giảm 11,92% xuống còn 3.235 tỉ đồng trong năm 2019. Tồi tệ hơn, doanh thu hoạt động năm 2019 của Chứng khoán HSC (Mã: HCM) giảm đến 33,61%, xuống còn 1.560 tỉ đồng.

Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) và Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) ghi nhận doanh thu hoạt động sụt giảm lần lượt 15,4% và 14,17%. Trong Top10, Chứng khoán MB (Mã: MBS) có doanh thu hoạt động giảm nhẹ 9,39% xuống 944 tỉ đồng.

Nằm ngoài Top10 về doanh thu, hàng loạt công ty chứng khoán nội khác ghi nhận doanh thu hoạt động sụt giảm hai con số như Chứng khoán BIDV (giảm 33,29%), Vietinbank Securities (giảm 22,64%), ACBS (giảm 12,82%), FPTS (giảm 44,39%), Chứng khoán Rồng Việt (giảm 20,85%), Thiên Việt (giảm 13,44%).

Sức ép cạnh tranh lớn không chỉ đến với đại gia nội

Đi cùng với việc doanh thu sụt giảm, lợi nhuận sau thuế của các ông lớn cũng giảm mạnh trong năm 2019. Theo thống kê, chỉ có duy nhất Chứng khoán Techcombank (TCBS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỉ đồng trong năm qua.

"Đại gia" chứng khoán nội - Chứng khoán SSI không còn nằm trong nhóm lãi nghìn tỉ năm 2019. Theo báo cáo chưa kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán SSI giảm đến 30,38%, xuống còn 907 tỉ đồng.

Cùng hoản cảnh với Chứng khoan SSI, Chứng khoán HSC báo lãi sau thuế giảm 35,96%, còn 433 tỉ đồng. Các công ty lớn khác có mức sụt giảm lợi nhuận trên 15% như Bản Việt (giảm 16,95%), Sài Gòn - Hà Nội (SHS, giảm 28,89%). Đáng chú ý, lợi nhuận của FPTS giảm đến 56,26% trong năm vừa qua, xuống mức 214 tỉ đồng.

Danh sách các công ty chứng khoán báo lãi sụt giảm với tỉ lệ hai con số còn rất dài, đơn cử như BSC (giảm 29,46%), Chứng khoán IB (giảm 46,26%), Vietinbank Securities (giảm 27,69%), Thiên Việt (giảm 21,61%)...

Công ty chứng khoán - Ảnh 3.

Đồ họa: Alex Chu

Chưa dừng lại ở đó, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn và duy trì mô hình hoạt động nhỏ, hàng loạt công ty chứng khoán nội báo lỗ hàng chục tỉ đồng năm qua. 

Cụ thể, một số công ty báo lỗ trong khi có lãi nhẹ trong năm trước đó như Chứng khoán Phố Wall (lỗ 80 tỉ đồng), Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (lỗ 36 tỉ đồng), Chứng khoán VICS (lỗ 24 tỉ đồng)...

Công ty chứng khoán - Ảnh 4.

Đồ họa: Alex Chu

Kinh doanh khởi sắc với các công ty theo đuổi chiến lược giá rẻ

Nếu như các công ty chứng khoán lợi có thị phần lớn đang lao đao trong cuộc chiến giá rẻ với kết quả kinh doanh lao dốc, những người tiên phong trong cuộc chiến thị phần lại đang có kết quả kinh doanh tương đối khởi sắc trong năm qua.

Đại diện nhóm CTCK trong nước, Chứng khoán VPS báo cáo doanh thu tăng trưởng hơn 2 lần trong năm 2019, đạt 3.093 tỉ đồng, trong khi năm nước đó chỉ là 1.496 tỉ đồng. Với việc doanh thu cải thiện, công ty chứng khoán này báo lãi sau thuế tăng 8,22%, lên 443 tỉ đồng.

Đi ngược xu hướng chung của toàn ngành, các công ty chứng khoán ngoại, đặc biệt là nhóm các công ty được "hậu thuẫn" bởi các đại gia chứng khoán Hàn Quốc ghi nhận kết quả tăng trưởng hai con số năm 2019.

Công ty chứng khoán - Ảnh 5.

Đồ họa: Alex Chu

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán Mirare Asset (Việt Nam) tăng trưởng lần lượt 67,95% và 88,58%, đạt 942 tỉ đồng và 376 tỉ đồng. Tăng trưởng mạnh mẽ hơn, doanh thu của Chứng khoán NH Việt Nam tăng gần 3,5 lần và công ty thoát lỗ trong năm 2019.

Đứng thứ hai về doanh thu trong nhóm CTCK Hàn Quốc, Chứng khoán KB Việt Nam ghi nhận doanh thu 2019 đạt 466 tỉ đồng, tăng 72,55% so với năm trước đó. Lãi sau thuế của công ty chứng khoán này tăng hơn 3 lần, lên 111 tỉ đồng.

Cùng xu hướng, Chứng khoán KIS Việt Nam báo cáo doanh thu tăng 36,67% năm 2019, lên đạt 408 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỉ đồng, tăng 90,53%. Như vậy, từ công ty chứng khoán có lãi èo uột, KB Việt Nam và KIS Việt Nam đã gia nhập nhóm lãi trăm tỉ năm vừa qua. 

Những phân tích trên cho thấy rằng, khi sức ép cạnh tranh lớn đến từ cuộc chiến giá rẻ, các công ty chứng khoán nội đang có kết quả kinh doanh giảm sút. Trong khi đó, những công ty tiên phong trong cuộc chiến giá rẻ đang có kết quả kinh doanh khởi sắc hơn. 

Trong bài phân tích tiếp theo, người viết tiếp tục phân tích về những hoạt động chính của các công ty chứng khoán gồm môi giới, tự doanh và cho vay kí quĩ. Đâu là sự khác biệt làm nên sự khởi sắc của nhóm công ty chứng khoán ngoại?

[Phần tiếp theo] Thu cho vay vượt môi giới: Thấy gì khi các đại gia Hàn Quốc đẩy mạnh bơm tiền cho vay margin? 

Lợi Hoàng