|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tỷ phú Trung Quốc mất hơn một nửa tài sản sau khi bị điều tra, cổ phiếu rớt 67% một ngày

15:49 | 25/01/2022
Chia sẻ
Giá cổ phiếu Huabao International cắm đầu giảm 67% phiên 24/1 sau khi có tin Chủ tịch Chu Lam Yiu bị điều tra. Từ phiên giao dịch cuối tuần trước đến nay, tài sản của bà trượt dốc từ 5,5 xuống 2,6 tỷ USD.
Tỷ phú Trung Quốc mất hơn một nửa tài sản sau khi bị điều tra - Ảnh 1.

Chủ tịch Chu Lam Yiu của Huabao International Holdings. (Ảnh: AP).

Giá cổ phiếu Huabao International Holdings giảm kỷ lục 67% trên thị trường Hong Kong sau khi công ty sản xuất hương liệu và nước hoa này tiết lộ rằng Chủ tịch Chu Lam Yiu đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật.

Ủy ban giám sát ở thành phố Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam đang điều tra bà Chu, người đồng thời là CEO và nhà sáng lập Huabao và kiểm soát 71% cổ phần công ty, theo tuyên bố từ công ty. Nhưng văn bản này không cung cấp thêm chi tiết gì về vi phạm và nói thêm rằng hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.   

Đối với nhà đầu tư, vụ việc của bà Chu là lời nhắc nhở mới nhất về "rủi ro nhân sự chủ chốt" (key man risk) ở Trung Quốc. Trong 5 năm qua đã có ít nhất 5 lãnh đạo doanh nghiệp của Trung Quốc mất tích, không thể liên lạc được hay bị bắt, khiến giá cổ phiếu suy sụp, Bloomberg cho biết. 

Bà Chu sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc và có quốc tịch Hong Kong. Bà là thành viên của Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 5 tại Thâm Quyến, một trong những cơ quan cố vấn của chính quyền, theo tiểu sử đăng trên trang web công ty.

Bà thành lập công ty tiền thân của Huabao năm 1996 và tới 2006 thì đưa công ty lên sàn thông qua sáp nhập ngược ở Hong Kong. Năm 2018, công ty tách ra một đơn vị riêng để bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.

Đến tháng 11/2021, tài sản ròng của bà Chu là khoảng 8 tỷ USD, nhưng sau đợt lao dốc mới nhất thì con số này chỉ còn khoảng 2,6 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Người phát ngôn công ty cho biết Huabao sẽ thông báo cho công chúng về diễn biến của cuộc điều tra.

Tỷ phú Trung Quốc mất hơn một nửa tài sản sau khi bị điều tra - Ảnh 2.

Loạt trường hợp tương tự

Rủi ro nhân sự chủ chốt là một trong những nguy cơ ít được nhắc đến nhất đối với nhà đầu tư ở Trung Quốc, nhưng lại có khả năng gây hại lớn nhất.

Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là vụ việc về ông Wang Zhenhua, nhà sáng lập kiêm cổ đông kiểm soát công ty phát triển bất động sản Future Land Development.

Năm 2019, thông tin cảnh sát Thượng Hải bắt giữ ông Wang với cáo buộc sàm sỡ trẻ em đã châm ngòi cho cuộc bán tháo kỷ lục trong hai ngày, xóa sổ hơn 4,2 tỷ USD khỏi vốn hóa thị trường công ty. Trái phiếu của công ty cũng lao dốc nặng nề.

Cổ đông của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com cũng phải chịu thiệt hại nặng nề khi nhà sáng lập Richard Liu Qiangdong bị bắt ở Mỹ năm 2018 với cáo buộc hiếp dâm, khiến cổ phiếu cắm đầu lao dốc.

Ông Guo Changchang, nhà sáng lập và Chủ tịch Fosun Group từng khiến nhà đầu tư thót tim vào năm 2017 khi không thể liên lạc được trong vài giờ đồng hồ và ngay lập tức khiến cổ phiếu giảm mạnh. Ông giải thích lúc đó đang ở trong chuyến bay từ Tây An đến Thượng Hải. 

Sau đó giới chức Trung Quốc phạt công ty dịch vụ tài chính Hithink 200.000 nhân dân tệ (30.750 USD) vì phát tán thông tin nhạy cảm, gây hiểu lầm về nơi ở của ông Guo.

Các vụ án tham nhũng bao gồm tỷ phú Xiao Jianhua của Tomorrow Group, Ye Jianmin của CEFC China Energy. Ông Xiao mất tích bí ẩn tại khách sạn Four Seasons ở Hong Kong vào năm 2017, nguồn tin của South China Morning Post nói rằng ông bị giới chức trách Trung Quốc bắt giữ. 

Đến năm 2020, một loạt công ty bảo hiểm và ủy thác quy mô hàng chục tỷ USD thuộc Tomorrow Group bị cáo buộc lừa đảo cổ đông và bị chính phủ Trung Quốc tiếp quản.

Trùm dầu mỏ Ye Jianmin bị Trung Quốc bắt giữ vào năm 2018 và không lộ mặt trong ít nhất 18 tháng. Tập đoàn CEFC China Energy của ông từng nằm trong danh sách Fortune Global 500 nhưng hiện đã phá sản.

Giang