|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú Trung Quốc chật vật bước qua năm 2021: Người mất nhiều tiền nhất thế giới, kẻ từ dạy học phải đi bán rau

08:12 | 01/01/2022
Chia sẻ
Năm 2021 có thể nói diễn ra không mấy êm xuôi với một số tỷ phú Trung Quốc trong các lĩnh vực như công nghệ, bất động sản và dạy học.

Giới tỷ phú Trung Quốc vừa trải qua một năm tương đối biến động. Một số yếu tố như đại dịch COVID-19, chính quyền Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với một số ngành nghề, các vụ phá sản từ những công ty bất động sản,… đã ảnh hưởng không nhỏ tới khối tài sản kếch xù của các tỷ phú nước này.

Trong thời điểm khó khăn, có những người đã tận dụng cơ hội để vươn lên, thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ trong năm qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn như vậy. 

Nhóm tỷ phú công nghệ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Theo tạp chí Forbes, nhóm tỷ phú công nghệ Trung Quốc là những người chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Điều này tương đối dễ hiểu khi hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực này như Alibaba, Meituan, Didi, Pinduoduo,… hoặc chịu những hình phạt lớn chưa từng có, hoặc chịu ảnh hưởng khi Trung Quốc thông qua bộ luật chống độc quyền.

Tài sản của những người có liên quan tới các tập đoàn này vì vậy cũng bị tác động đáng kể. Khối tài sản ròng của 4 trong số những nhà tài phiệt hàng đầu Trung Quốc, gồm Colin Huang, Jack Ma, Pony Ma và Wang Xing đã giảm tới hơn 73 tỷ USD kể từ tháng 4.

Các ông trùm này phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng khi các cơ quan quản lý Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các quy định chống độc quyền, tránh việc các tập đoàn lớn lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường để thực hiện các hành vi cạnh tranh không đúng mực. 

Những gã khổng lồ, từ Alibaba trong ngành thương mại điện tử cho đến Meituan trong lĩnh vực giao đồ đang phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng kéo dài. "Các nhà đầu tư đang xem xét lại những nguyên tắc cơ bản, nhưng triển vọng ngắn hạn không thực sự thú vị cho lắm đối với các tỷ phú công nghệ Trung Quốc", Shi Jialong, người đứng đầu bộ phận truyền thông của công ty Nomura Securites cho biết.

Tỷ phú Trung Quốc chật vật bước qua năm 2021: Người mất nhiều tiền nhất thế giới, người phải chuyển từ dạy thêm sang bán rau - Ảnh 1.

Colin Huang (trái) và Jack Ma (phải) là những tỷ phú công nghệ Trung Quốc gặp khó trong năm 2021. (Ảnh: Global Times).

Trong những cái tên kể trên, đáng chú là tỷ phú Colin Huang, người lãnh đạo Pinduoduo. Ông chính là tỷ phú mất nhiều tiền nhất thế giới năm 2021. Khối tài sản ròng của nhà tài phiệt này đã giảm tới hơn 35 tỷ USD kể từ tháng 4, khi giá cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn Nasdaq giảm hơn một nửa. 

Những công ty khác như Alibaba (nhà sáng lập Jack Ma), Meituan (Wang Xing), Tencent (Pony Ma) đều cắt giảm mức dự báo tăng trưởng trong những năm tiếp theo, theo Financial Times.

Ngoài ra, lời kêu gọi về "Thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ hưởng ứng. Chiến lược này nhằm giúp xóa bớt khoảng cách giàu nghèo, qua đó gián tiếp khiến khối tài sản của một số tỷ phú bị chững lại. 

Theo ông Shaw Yang, CEO công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors có trụ sở tại Thâm Quyến, nhiều tỷ phú công nghệ Trung Quốc khác cũng trải qua một năm vất vả và sẽ cần thêm thời gian để khối tài sản cũng như công ty của họ tìm được sức bật để phục hồi.

Nhóm tỷ phú bất động sản chịu ảnh hưởng từ vụ việc của Evergrande Group

Nói tới những tỷ phú Trung Quốc trải qua năm 2021 không mấy êm đẹp chắc chắc không thể bỏ qua cái tên Hứa Gia Ấn, ông chủ Evergrande Group, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc.

Vụ việc của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc này đã kéo theo nhiều hệ lụy khác cho người đứng đầu tập đoàn. Theo Bloomberg Billionaires Index, ông Hứa Gia Ấn hiện là người giàu thứ 467 thế giới, nhưng trong năm qua, khối tài sản ròng của tỷ phú này đã giảm tới 17 tỷ USD.

Thậm chí, để có thể có đủ tiền trả các khoản nợ, tránh để Evergrande phá sản vào phút chót, ông Hứa Gia Ấn được cho đã sử dụng hơn 1,1 tỷ USD tiền cá nhân từ việc bán biệt thự và cầm cố tài sản, theo China Business News. Có thời điểm Evergrande Group mắc khoản nợ lên tới 300 tỷ USD, biến tập đoàn này trở thành đơn vị bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Tỷ phú Trung Quốc chật vật bước qua năm 2021: Người mất nhiều tiền nhất thế giới, người phải chuyển từ dạy thêm sang bán rau - Ảnh 2.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn là tâm điểm của thị trường bất động sản Trung Quốc trong năm 2021. (Ảnh: Business Insider).

Sau tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, rất nhiều công ty bất động sản của nước này cũng dính vào các vụ việc tương tự. Chính điều này cũng khiến một số tỷ phú khác trong lĩnh vực bất động sản sụt giảm khối tài sản ròng trong năm 2021.

Theo NDTV, Zhang Yuanlin, Chủ tịch Tập đoàn Sinic Holdings, một công ty bất động sản có trụ sở tại Thượng Hải đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của mình giảm từ 1,3 tỷ USD xuống còn hơn 250 triệu USD do những lo ngại về khả năng vỡ nợ từ Evergrande Group.

Một số tỷ phú khác trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã chứng kiến khối tài sản ròng sụt giảm trong năm qua có thể kể đến như Wang Wenxue, nhà lãnh đạo China Fortune Land Development; cặp vợ chồng Zhang Xin và Pan Shiyi, những người điều hành Soho China; Huang Rulun, người lãnh đạo tập đoàn Century Golden Resources Group,… theo Forbes.

Dạy thêm - lĩnh vực tiếp theo được chính quyền Bắc Kinh nhắm tới

Ngoài lĩnh vực công nghệ và bất động sản, một lĩnh vực khác trong năm qua cũng bị chính phủ Trung Quốc thắt chặt hoạt động chính là dạy thêm. Có thể nói, Trung Quốc là một trong những quốc gia có thị trường dạy thêm sôi động bậc nhất thế giới. 

Sở dĩ có điều này bởi các kỳ thi tuyển tại thị trường tỷ dân luôn rất khắt khe, khó khăn với tỷ lệ chọi cao, do đó các bậc phụ huynh thường có xu hướng đưa con cái của họ tới các trung tâm dạy thêm.

Yu Minhong, nhà sáng lập hệ thống dịch vụ giáo dục tư nhân New Oriental Education & Technology Group Inc., thường gọi là New Oriental, đã có kế hoạch đóng cửa phần lớn hoạt động kinh doanh của công ty khi chính phủ Trung Quốc triển khai kế hoạch thắt chặt các hoạt động trong ngành công nghiệp dạy thêm, theo South China Morning Post.

Ông Yu Minhong, người được mệnh danh là "giáo viên giàu nhất Trung Quốc" đang sở hữu khối tài sản ròng lên tới 1,1 tỷ USD. Dù vậy, việc chính phủ Trung Quốc siết chặt các hoạt động kinh doanh ngành dạy thêm cũng khiến ông trùm này gặp khó.

Thậm chí, ông Yu Minhong cho biết New Oriental sẽ thiết lập một "nền tảng nông nghiệp lớn", chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp với sự giúp đỡ của hàng trăm nhân viên, những người đã tạm chuyển từ công việc giảng dạy truyền thống sang livestream bán hàng. Đồng thời, New Oriental sẽ hoàn trả tất cả học phí cho học viên. Khoản tiền mặt còn lại đủ để công ty thanh toán nốt phần lương còn nợ nhân viên.

Tỷ phú Trung Quốc chật vật bước qua năm 2021: Người mất nhiều tiền nhất thế giới, người phải chuyển từ dạy thêm sang bán rau - Ảnh 3.

Ông Yu Minhong cho biết công ty sẽ chuyển sang bán rau sau khi ngành dạy thêm bị thắt chặt quy định. (Ảnh: Financial Times).

Ông Yu Minhong không phải là tỷ phú ngành giáo dục duy nhất gặp khó. Larry Chen, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Gaotu Techedu, công ty đang được định giá 235 triệu USD cũng chứng kiến khối tài sản ròng lao dốc trong năm qua. 

Trong khi đó, khối tài sản ròng của nhà sáng lập TAL Education Group, Zhang Bangxin đã giảm từ 2,8 tỷ USD thời điểm đầu nă xuống còn 1,1 tỷ USD vào cuối tháng 7, theo Bloomberg.

Có thể nói, chưa có thời điểm nào mà chính phủ Trung Quốc đồng loạt thắt chặt hoạt động trong nhiều nhóm ngành nghề như năm 2021. Ngoài ra, việc có nhiều sự kiện bất ngờ diễn ra trong cùng một năm có thể nằm ngoài dự tính của nhiều doanh nghiệp. 

Vì vậy, việc các tỷ phú nước này "chật vật" trong năm qua cũng là điều tương đối dễ hiểu. Không rõ liệu năm 2022 sẽ diễn ra như thế nào đối với các tỷ phú này, nhưng có một điều chắc chắn đó là họ sẽ tìm cách để quay trở lại sau giai đoạn khó khăn.

Quốc Anh

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.