Tỷ phú Richard Branson hoàn thành chuyến bay vào không gian
Tỷ phú Richard Branson, người sáng lập Virgin Galactic đã thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên chiếc SpaceShipTwo do công ty thiết kế và chế tạo vào hôm Chủ nhật vừa qua, theo Business Insider.
Cùng bay với tỷ phú người Anh còn có ba nhân viên khác của Virgin Galactic là Beth Moses, người hướng dẫn bay; Colin Bennett, kỹ sư vận hành và Sirisha Bandla, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và nghiên cứu.
Ngoài ra, trong chuyến bay của SpaceShipTwo còn có hai phi công gồm Dave Mackay và Mike Masucci. Nhà vật lý quá cố Stephen Hawking đã đặt tên cho chiếc tàu vũ trụ này là "VSS Unity".
Chiếc tàu được bảo vệ dưới đáy của một chiếc tàu mẹ, được gọi là "VMS Eve", theo tên mẹ của Branson. Tàu sân bay cất cánh từ đường băng của Virgin Galactic ở Spaceport America, New Mexico. Chiếc tàu sau đó đã đạt đến độ cao 50.000 feet, tương đương 10 dặm so với mực nước biển.
Sau đó, VSS Unity đã tách ra khỏi chiếc tàu mẹ để phóng vào không gian và đạt được độ cao khoảng 45 dặm. Các phi hành đoàn trên chuyến bay rơi vào trạng thái không trọng lượng trong vòng 5 phút và có thể tận hưởng cảm giác ngắm nhìn Trái đất qua 17 khung cửa sổ trước khi lực hấp dẫn kéo con tàu trở lại.
Vỏ của chiếc tàu vũ trụ đã bảo vệ phi hành đoàn khi nó xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất, làm nóng vật chất xung quanh và tạo ra tiếng nổ siêu thanh qua bầu trời New Mexico. Khi còn cách mặt đất khoảng 10 dặm, VSS Unity bắt đầu sử dụng đôi cánh và sau đó tiếp đất một cách an toàn. Toàn bộ chuyến bay chỉ kéo dài một giờ.
Richard Branson đang dẫn trước Jeff Bezos
Richard Branson hiện đang dẫn trước tỷ phú Jeff Bezos trong cuộc đua bay vào vũ trụ. Trước đó, cựu CEO của Amazon cho biết sẽ bay vào vũ trụ trên con tàu mang tên New Shepard do Blue Origin thiết kế vào ngày 20/7. Như vậy, ông Branson đã bay vào vũ trụ trước Jeff Bezos 9 ngày. Tỷ phú Branson khẳng định rằng không chạy đua với người sáng lập Blue Origin và Amazon.
"Tôi hiểu tại sao báo chí lại viết như vậy. Đó chỉ là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc mà chúng ta được thấy trong vòng một tháng", ông Branson chia sẻ trên tờ The Washington Post.
Dù vậy, Virgin Galactic đã đẩy nhanh tiến độ. Ban đầu công ty dự định thực hiện chuyến bay với đầy đủ phi hành đoàn mà không có tỷ phú Richard Branson. Sau đó, vị tỷ phú này đã lên kế hoạch mới để bay cùng các phi hành đoàn khác.
Cuộc tranh luận về "không gian"
Không phải ai cũng đồng ý rằng Branson và các phi hành đoàn của ông đã thực sự bay vào vũ trụ.
"Chúng tôi chúc anh ấy có một chuyến bay tuyệt vời và an toàn, nhưng họ không bay trên dòng Kármán và đó là một trải nghiệm rất khác", Bob Smith, CEO của Blue Origin nói với The New York Times sau thông báo của Branson.
Theo lý thuyết, dòng Kármán là một ranh giới giữa Trái đất và không gian, có độ cao khoảng 62 dặm so với mực nước biển. Đó là nơi New Shepard sẽ mang theo Jeff Bezos và phi hành đoàn tới khám phá vào ngày 20/7.
Tuy nhiên, theo những thông báo của Cục Hàng không Mỹ, VSS Unity đã thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đồng ý với điều này.
Hành trình gian nan của Virgin Galactic
Virgin Galactic đã trải qua một hành trình khó khăn trước khi có thể bay vào vũ trụ. Năm 2007, một cuộc thử nghiệm động cơ cho SpaceShipTwo đã dẫn đến một vụ nổ khiến 3 công nhân thiệt mạng.
Sau đó, phiên bản đầu tiên với tên gọi là VSS Enterprise đã bị hỏng giữa chuyến bay trên sa mạc Mojave vào tháng 10/2014, khiến một người chết và một người bị thương.
Ban đầu, tỷ phú Richard Branson dự định sẽ điều khiển chiếc SpaceShipTwo vào năm 2014 hoặc 2015 nhưng đã phải trì hoãn sau những sự cố đáng tiếc kể trên.
Kể từ khi Virgin Galactic bắt đầu thử nghiệm VSS Unity vào năm 2016, các chuyến bay của hãng đã đạt được thành công. Trước chuyến bay gần nhất vào hôm Chủ nhật vừa qua, các phi công của Virgin Galactic đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm VSS Unity tới rìa không gian và quay lại ba lần kể từ tháng 12/2018.
Cuối cùng, Virgin Galactic đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay chở theo 6 phi hành đoàn. Hiện công ty của tỷ phú Richard Branson đang lên kế hoạch cho hai chuyến bay thử nghiệm tiếp theo trước khi chính thức ra mắt khách hàng.