Tỷ phú Paul Tudor Jones: Lợi nhuận doanh nghiệp không phải thước đo quan trọng nhất trong chứng khoán
Tỷ phú đầu cơ Paul Tudor Jones tuyên bố các nguyên lý trong triết lý cổ điển của nhà kinh tế Milton Friedman về chủ nghĩa tư bản cổ đông đã lỗi thời. Ngày nay doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng chú trọng hơn tới các hoạt động ngoài bảng cân đối kế toán, tập trung vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
"Milton Friedman nói rằng lý do kinh doanh duy nhất của một doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Vấn đề của triết lý này là khi lợi nhuận trở thành động cơ duy nhất của bạn, nó khiến bạn có thể ra các quyết định vô đạo đức".
Jones đồng sáng lập công ty nghiên cứu đầu tư ESG Just Capital hàng năm xếp hạng các công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán Mỹ theo các chỉ số ESG. Ông chỉ ra các hành động của công ty dược Purdue Pharma, nói rằng "mục đích kinh doanh duy nhất của họ là kiếm lời và hậu quả là một cuộc khủng hoảng thuốc phiện giết chết 400.000 người Mỹ".
"Bạn không thể phân biệt mục đích kinh doanh mà không kể đến đạo đức, luân lý và hậu quả xã hội từ hành động của bạn", Jones nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC. "Bạn thậm chí còn không thể nói rằng kiếm lời là cách tốt nhất về mặt kinh tế để tạo ra hệ thống sản phẩm, vì Mỹ đã mất 400.000 người lao động trong khủng hoảng thuốc phiện đó".
Tập trung chăm lo cho nhân viên
Theo Jones, những công ty đang làm tốt "tập trung vào các chỉ số quan trọng nhất, thường là các vấn đề về khả năng chi trả và liên quan đến công việc".
Danh sách JUST 100 xếp hạng các cổ phiếu Mỹ vốn hóa lớn đặt trọng số lớn nhất vào các vấn đề nhân công, dựa trên khảo sát hàng năm của Just Capital với người Mỹ để đánh giá những vấn đề quan trọng nhất đối với công chúng.
Thành phần hàng đầu trong JUST 100 của năm nay là trả lương hợp lý và đủ sống, tạo ra "lực lượng lao động được quan tâm tốt nhất trên nhiều phương diện so với phần còn lại của giới doanh nghiệp Mỹ", Jones nói.
Nhưng điều quan trọng nhất những công ty này đang làm là "đáp ứng sự công bằng và phù hợp với quan điểm của người Mỹ là công ty tuyệt vời phải là công ty công bằng".
Jones nói rằng dữ liệu cho thấy đối với nhà đầu tư dài hạn, quan điểm trên có lợi hơn so với triết lý coi lợi nhuận là số một. Doanh nghiệp trong danh sách JUST 100 đóng góp nhiều hơn 19 lần cho cộng đồng địa phương và thường xuyên tiết lộ thông tin về chênh lệch lương hơn, nhưng cũng trả cổ tức nhiều hơn 20% và kiếm được nhiều hơn 4,5% so với phần còn lại của doanh nghiệp Mỹ.
"Những công ty trong JUST 100 làm tốt hơn phần còn lại về một số khía cạnh tài chính và kinh tế, nhưng họ cũng nổi trội về một số vấn đề xã hội, và điều đó đã biến họ thành những công ty giá trị nhất nước Mỹ".
"Doanh nghiệp không thể tạo ra giá trị dài hạn cho nhà đầu tư và cổ đông nếu không chăm sóc và tạo ra giá trị cho các bên liên quan, nhân viên, khách hàng, cộng đồng và trái đất".
Về biến động hiện nay của thị trường chứng khoán Mỹ, Jones nói với CNBC rằng các cổ phiếu nóng gần đây sẽ tiếp tục "đối mặt với sự trượt giá khó khăn". Ông cho rằng Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell "còn phải làm rất nhiều" để đối phó với lạm phát.
Năm nay, Just Capital đặt tỷ trọng 39% cho các vấn đề nhân công, bao gồm các yếu tố như mức lương đủ sống, bảo vệ sức khỏe, an toàn và tâm lý của người lao động vượt quá tiêu chuẩn luật phát yêu cầu, cung cấp phúc lợi chất lượng cao, đầu tư vào lực lượng lao động thông qua giáo dục và đầu tạo.
"Chúng ta đã thấy tăng trưởng lương đi lên. Vấn đề số 1 người Mỹ quan tâm về doanh nghiệp là trả cho nhân viên mức lương hợp lý và đủ sống. Năm ngoái chúng ta chứng kiến sự bùng nổ trong tăng trưởng lương và đây là điều tốt, đặc biệt là do trong giai đoạn đó biên lợi nhuận cũng tăng từ 6% lên 12%.
"Chia sẻ thêm doanh thu của doanh nghiệp cho nhân viên là điều tốt và cũng tốt cho cả việc kinh doanh".