|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phân tích cơ bản hay kỹ thuật, trường phái nào phù hợp với lướt sóng?

17:15 | 06/01/2022
Chia sẻ
Chuyên gia SSI nhận định lướt sóng là môn thể thao mạo hiểm và không dành cho số đông. Những NĐT theo trường phái cơ bản rất có khả năng vào đúng đỉnh ra đúng đáy. Kể cả những NĐT mới học vài chỉ số kỹ thuật mà mong muốn lướt sóng kiếm lời thì việc bắt bài đội lái là điều ảo tưởng.

Lướt sóng không phải là trò chơi cho số đông

Dòng tiền ồ ạt từ nhà đầu tư cá nhân trong hai năm qua đã đẩy thị trường liên tục lập đỉnh, chủ yếu là dòng tiền FOMO. 

Nhiều NĐT tham gia vào thị trường với kiến thức là con số 0 tròn trĩnh nhưng lại mong lướt sóng và sinh lời cành nhanh càng tốt. Không ít những trường hợp đã phải bầm dập theo con sóng đầu cơ và gặm nhấm khoản lỗ khó "về bờ".

Chương trình Bí mật đồng tiền phát sóng trưa ngày 5/1 với sự tham gia của hai chuyên gia ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc SSI Research và ông Nguyễn Tuấn Anh với kinh nghiệm 16 năm trên thị trường đã khắc hoạ những đặc điểm cơ bản của hai trường phái đầu tư và đưa ra lời khuyên để có thể sống sót và sống lâu trên thị trường. 

Nếu như phân tích cơ bản là phương pháp tốt để chọn lọc cổ phiếu thì phân tích kỹ thuật sẽ rất hữu ích trong quá trình xác định điểm mua, điểm bán nhằm tránh mua đỉnh bán đáy. Có thể khắc hoạ NĐT theo trường phái cơ bản như người gieo hạt và trồng cây, chờ đến ngày hái quả. Còn NĐT theo trường phái kỹ thuật giống như thương lái và sẵn sàng trở thành một tay buôn chạy theo thị trường kiếm lời. 

Để quyết định điểm mua điểm bán, ông Phạm Lưu Hưng chủ yếu dựa vào định giá của cổ phiếu tầm nhìn từ 1 năm. 

Còn trên góc nhìn của nhà đầu tư kỹ thuật, ông Tuấn Anh chủ yếu dựa vào xu hướng. Thị trường luôn có logic giao dịch riêng và phụ thuộc nhiều cung cầu. Có hai kiểu NĐT trên thị trường xu hướng hiện nay: một là nhóm mua rẻ bán đắt và hai là nhóm mua cao hơn để bán với giá cao hơn.

Chuyên gia SSI nhận định lướt sóng là môn thể thao mạo hiểm và không dành cho số đông. Những NĐT theo trường phái cơ bản rất có khả năng vào đúng đỉnh ra đúng đáy. Thực tế, trò chơi nay chỉ phù hợp với NĐT kỹ thuật chuyên nghiệp. Những NĐT mới học vài chỉ số kỹ thuật mà mong muốn lướt sóng kiếm lời thì việc bắt bài đội lái là điều ảo tưởng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI nhận định: "Hai phong cách đầu tư sẽ khác nhau khi thị trường đảo chiều hoặc gặp khủng hoảng". 

Ông Tuấn Anh cũng cùng quan điểm bởi khi thị trường biến động, logic ra quyết định của hai trường phái sẽ khác nhau. Tuy khác nhau về mặt thời điểm nhưng về dài hạn, lợi nhuận bình quân khá tương đương.

"Tấm khiên chắn sóng là kỷ luật"

Chia sẻ về bí mật sống sót và sống lâu trên thị trường chứng khoán, chuyên gia Tuấn Anh cho rằng mọi trường hợp đều phải có cửa lùi cho bản thân. "Bữa tiệc nào cũng phải tham dự, cầm trên tay ly rượu vang nhưng đứng ở gần cửa".

Đồng ý với quan điểm trên, ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh việc chọn đúng cổ phiếu là chuyện rất khó trong đầu tư chứng khoán và luôn phải đặt đường lùi để thoát khỏi vị thế. 

Là người tiếp cận trường phái phân tích kỹ thuật khá sớm tại Việt Nam, "chuyên gia lướt sóng" Tuấn Anh chia sẻ: "Trên lý thuyết phân tích kỹ thuật rất dễ. Một người có thể học 300 chỉ số và có thể trở thành chuyên gia phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên áp dụng vào thực tiễn, va vấp thực tế mới cần thời gian lâu. Thành công đến từ kinh nghiệm, ra trận bắn súng đúng đích mới là câu chuyện lưu tâm. Tấm khiên chính là kỷ luật vững vàng".

Ông Tuấn Anh cho biết bản thân không có khái niệm liều trong đầu tư chứng khoán mà đây là một công việc. "Nghề của tôi là không ra quyết định trong thời gian giao dịch. Tôi ra quyết định từ tối hôm trước". 

Trên thực tế, phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật không hề xung đột mà bổ sung cho nhau. Không có phương pháp nào là tuyệt đối, về bản chất mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. 

Việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào khả năng, trình độ, thời gian và mục tiêu của NĐT. Kết hợp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật sẽ hình thành một chiến lược đầu tư với góc nhìn đa chiều hơn. 

Bảo Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.