|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú New Zealand muốn xây dựng 'Tesla của ngành hàng không'

08:08 | 16/12/2022
Chia sẻ
Cuộc cách mạng điện khí hóa không chỉ diễn ra trong ngành ô tô mà đã bắt đầu chuyển sang cả ngành hàng không.

Sự yên tĩnh của một buổi chiều lạnh giá tháng 11 tại Mỹ bị phá vỡ bởi tiếng ồn khi một chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 lao xuống đường băng tại Sân bay Quốc tế Hạt Grant. Bên trong một nhà chứa máy bay gần đó là một chiếc máy bay màu trắng, có thể là một sản phẩm quan trọng tạo ra bước đột phát trong ngành máy bay và không gây ra tiếng ồn: Eviation Alice, theo tạp chí Forbes.

Đối với Richard Chandler, nhà đầu tư tỷ phú 63 tuổi sinh ra tại New Zealand, người kiểm soát Eviation và công ty sản xuất động cơ điện của Alice, MagniX, đó là cả một chặng đường dài.

Tỷ phú Richard Chandler bên cạnh chiếc máy bay điện do công ty của ông thiết kế. (Ảnh: Forbes).

Chandler từng có ý tưởng cắm những động cơ điện vào xe Jeepney ở Manila để giảm ô nhiễm không khí, nhưng rõ ràng là quá trình này tương đối đắt đỏ với xe buýt. Sau đó, vào năm 2017, ông đã được nhiều người khuyên rằng có thể đưa động cơ điện vào máy bay để tạo nên sự hoàn hảo.

Máy bay thông thường chạy hoàn toàn bằng điện sẽ có nhiều ưu điểm, chặng hạn như giảm ô nhiễm không khí hay tiết kiệm hơn (Eviation tuyên bố tiết kiệm hơn 40%, có khả năng lên tới 80%) về chi phí năng lượng và bảo trì.

Tuy nhiên, vẫn cần một khoảng thời gian dài để phát triển pin cho những chiếc máy bay cỡ lớn chở khách du lịch. Dù vậy, các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm dường như chỉ có trong phim này.

Hàng tỷ USD đã được đầu tư vào tầm nhìn khoa học viễn tưởng về ô tô bay. Ví dụ, Joby Aviation, một công ty ở Bắc California, đã huy động được 820 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ những công ty như Intel và Toyota trước khi IPO trong một thỏa thuận SPAC trị giá 1,1 tỷ USD vào năm 2021.

Chandler có một quan điểm khác: Tại sao không điện khí hóa những chiếc máy bay nhỏ thông thường? Theo ông, việc này sẽ rẻ hơn và dễ dàng hơn so với việc điện khí hóa cả những chiếc máy bay thương mại cỡ lớn. Bên cạnh đó, việc chỉ thay đổi phần nhỏ có thể sẽ khiến các cơ quan quản lý thoải mái hơn.

Giải pháp đơn giản nhất là hoán đổi động cơ điện thay cho các động cơ ngốn xăng cũ trên máy bay hiện có, đó là kế hoạch ban đầu của Chandler với MagniX. Sau đó, ông đã chế tạo một chiếc máy bay hoàn toàn mới, Alice.

Vào năm 2019, tỷ phú này đã mua 70% cổ phần của Eviation, một công ty khởi nghiệp của Israel, để cố gắng cho mọi người thấy động cơ của MagniX có thể hoạt động tốt như thế nào trong một chiếc máy bay được thiết kế từ ngày đầu tiên dựa hoàn toàn trên động cơ điện.

Chandler coi Alice, chiếc máy bay có thể chở tối đa 9 người, là Tesla Model S của ngành máy bay. Giống như mẫu xe điện của Elon Musk, Alice sẽ có giá tương đối cao. Tuy nhiên, Chandler tin rằng Alice sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển của máy bay điện trong tương lai.

Hàng trăm triệu USD được đổ vào để phát triển máy bay điện

Tỷ phú Chandler đã quen với việc đi ngược lại những suy nghĩ thông thường. Bắt đầu từ giữa những năm 1980, ông đã gây dựng được khối tài sản trị giá 2,6 tỷ USD nhờ các khoản đầu tư mang tính chiến lược, trái ngược với nhiều ngành công nghiệp (viễn thông, tiện ích, tài chính) ở Nga và các quốc gia đang phát triển ở châu Á và Mỹ Latinh.

Tổng cộng, ông đã chi khoảng 180 triệu USD cho Eviation và hàng chục triệu USD khác cho MagniX. Cả hai công ty đã được chuyển đến khu vực Seattle để tận dụng hệ sinh thái hàng không vũ trụ do Boeing xây dựng ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Eviation chưa có doanh thu đáng kể, trong khi đó MagniX đã giành được hợp đồng trị giá 74 triệu USD của NASA vào năm 2021 để phát triển động cơ điện cho máy bay cỡ lớn và cũng đã có lộ trình phát triển ngắn hạn rõ ràng.

Trên toàn thế giới, McKinsey ước tính có khoảng 12.000 máy bay nhỏ cũ phù hợp để chuyển đổi sang hệ thống pin hoặc hybrid (MagniX cũng đang phát triển những hệ thống này). Ngoài ra, công ty cũng đang hợp tác cùng một số startup như Universal Hydrogen ở Nam California để cung cấp năng lượng bằng pin cho máy bay 40 chỗ ngồi.

Khó khăn và kỳ vọng về máy bay điện

Chandler đánh giá cao triển vọng của Alice. Ông hy vọng những chiếc máy bay như thế này sẽ mở rộng dịch vụ trong khu vực đến các sân bay nhỏ ít được sử dụng và quá đắt đối với các máy bay hiện tại để bay vào, cho cả dịch vụ vận chuyển hàng hóa và chở khách.

Hai câu hỏi hiện tại là Alice có thể bay quãng đường tối đa bao nhiêu km sau một lần sạc và nhu cầu sử dụng máy bay điện sẽ ở mức nào. Eviation chào mời các đơn đặt hàng trị giá 2 tỷ USD cho gần 300 máy bay, nhưng gần như tất cả chúng đều không ràng buộc.

Riêng về câu hỏi liên quan tới quãng đường tối đa mà Alice có thể bay sau mỗi lần sạc, Eviation khẳng định ngày nay có sẵn pin cho phép nó bay được 250 dặm. Shashank Sripad, một nhà nghiên cứu về pin từ Carnegie Mellon cho biết khẳng định của Eviation là điều khả thi, nhưng chúng đang trong giai đoạn đầu triển khai và chưa có gì để đảm bảo điều này đúng với thực tế.

Có nhiều hoài nghi về quãng đường tối đa mà Alice có thể bay sau mỗi lần sạc. (Ảnh: Forbes).

Chandler mong đợi sẽ bán được Alice. Một yếu tố có thể giúp Chandler lạc quan hơn về triển vọng bán máy bay điện của mình là chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới việc ưu tiên sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường và đánh thuế cao với những phương tiện thải nhiều khí carbon ra bên ngoài.

Chẳng hạn, Pháp đã cấm các chuyến bay đường ngắn khi tàu hỏa là một lựa chọn, nhưng những chiếc máy bay có mức độ phát thải thấp vẫn được khai thác. Các nước EU khác có thể sẽ làm theo Pháp. Về lâu dài, Na Uy có kế hoạch chuyển hoàn toàn sang máy bay điện tử trên các tuyến nội địa bắt đầu từ năm 2040.

Chandler tin rằng MagniX đang dẫn đầu cuộc đua về máy bay điện. Tỷ phú người New Zealand tuyên bố rằng cả General Electric và Pratt & Whitney đều đang cố gắng mua lại công ty từ ông (cả hai công ty đều từ chối bình luận). Giống như Tesla, Chandler cho rằng sự tập trung duy nhất của MagniX vào động cơ điện sẽ giúp hãng tiếp tục phát triển.

Anh Nguyễn