|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá USD/VND trong tầm kiểm soát, đâu sẽ là thời điểm chính sách tiền tệ đảo chiều?

14:11 | 12/09/2023
Chia sẻ
VND bị mất giá nhẹ sẽ có tác động thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo cần cẩn trọng với rủi ro lạm phát khi đồng nội tệ yếu hơn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, tỷ giá USD/VND tăng ở mức vừa phải sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế. "Chính sách điều hành nới lỏng khiến VND yếu đi có thể là chiến lược chủ động từ phía ban điều hành nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, phục hồi nền kinh tế trong nước", theo Chứng khoán DSC. 

Cùng quan điểm trên, VNDirect cho biết việc ổn định tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Các nhà phân tích cho rằng mức giảm giá dưới 3% của VND so với USD sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, trong khi ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam.

Ngược lại, tỷ giá USD/VND tăng lên cũng đang có những tác động trái chiều. USD mạnh lên gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu nhiên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên.

Trong những tuần gần đây, đồng USD mạnh lên đã tạo ra áp lực lên VND, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên trong lịch sử phải nâng tỷ giá trung tâm lên trên 24.000 VND/USD.

Chỉ số USD Index (DXY) đã leo lên mức 105,09 điểm vào ngày 8/9, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 năm nay. 

Lý giải đà tăng này, Chứng khoán VNDirect cho biết thị trường đang lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ đã tăng cao trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách. 

Tỷ giá USD/VND (cột trái) và chỉ số DXY (cột phải). (Ảnh: DSC).

Thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ?

Theo phân tích của ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm chứng kiến sự đảo ngược chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng yếu, xuất khẩu suy giảm.

Việt Nam là một trường hợp đặc biệt khi cắt giảm lãi suất ngay từ nửa đầu 2023 khi các nền kinh tế ASEAN vẫn tiếp tục quan sát động thái từ Fed. Theo HSBC, lạm phát giảm, thặng dư tài khoản vãng lai là hai lợi thế để NHNN có được một chút tự do về chính sách tiền tệ so với Fed. 

Ông Báu cho rằng thời điểmchính sách sẽ thay đổi là khi chính sách bắt đầu thẩm thấu thực và nhiều khả năng sự thay đổi này sẽ xảy ra trong giai đoạn quý IV/2023. 

Trong báo cáo phân tích mới đây, VDSC cho rằng dựa trên các yếu tố diễn biến lãi suất huy động giảm mạnh trong tháng 8, tín dụng phục hồi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống không chịu quá nhiều áp lực trong tháng 9, cùng với yếu tố lạm phát  tăng trở lại, các chuyên gia cho rằng sẽ chưa cần thiết để NHNN giảm tiếp lãi suất điều hành trong quý III/2023. Mặt bằng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên cho đến hết năm nay. 

Còn theo DSC, sức ép về tỷ giá dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm khi Fed duy trì chính sách thắt chặt, còn NHNN lại nới lỏng. Thời điểm đảo chiều chính sách có thể diễn ra vào tháng 5/2024.

Trong hội nghị của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra quan điểm thận trọng hơn khi đề cập đến khả năng nâng lãi suất và cho biết quyết định cuối cùng sẽ đựa trên các số liệu kinh tế.

Một số dữ liệu như tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát đang cho thấy nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu chậm lại. Do vậy, theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất để Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sắp tới lên đến 90%. 

Một bài báo gần đây của Wall Street Journal cũng đã củng cố thêm khả năng này khi tiết lộ rằng các quan chức Fed đã nhất trí tạm dừng thắt chặt thêm. Tuy vậy, khả năng để Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 đang là 41,2%.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang nghịch chiều với Mỹ.

Các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này cho rằng sức ép của USD Index đang có xu hướng giảm dần về cuối năm. Đồng thời, nguồn cung ngoại tệ dồi dào là điểm sáng lớn trong việc kiểm soát tỷ giá. 

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,15 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 20,19 tỷ USD (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ 2022) và dự trữ ngoại hối đạt 88 tỷ USD (ở ngưỡng an toàn khi vẫn lớn hơn trung bình 12 tháng nhập khẩu).

DSC cho biết cán cân thanh toán đã có điểm đảo chiều từ âm sang dương trong giai đoạn đầu năm, do vậy việc VND yếu đi khoảng hơn 2% so với USD kể từ đầu năm là vẫn trong tầm kiểm soát và sẽ không có biến động quá bất ngờ như giai đoạn cuối năm 2022. 

Đồng thời, các nhà phân tích cho biết VND suy yếu nhẹ sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn về giá, tận dụng được sức cầu từ thế giới trong bối cảnh nhu cầu nội địa chưa phục hồi. 

Không chỉ có Việt Nam, hiện nay nhiều quốc gia xuất khẩu khác tại châu Á đang chứng kiến đồng nội tệ giảm giá mạnh, trong khi Trung Quốc rơi vào trạng thái giảm phát trong tháng 6 và tháng 7. 

Đa số các đồng tiền khác trong khu vực cũng yếu đi so với USD. (Ảnh: VNDirect).

Chứng khoán DSC lập luận rằng chính sách điều hành nới lỏng, kéo theo VND có xu hướng mất giá nhẹ đang là chiến lược kiểm soát chủ động từ phía nhà điều hành với mục tiêu vừa hỗ trợ nền kinh tế trong nước, vừa thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.

Bên cạnh đó chuyên gia của DSC cho rằng việc cố gắng bơm vốn bằng mọi cách để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa hẳn là phương án tối ưu nhất do có thể gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt là về rủi ro gia tăng nợ xấu do áp lực phải giải ngân vốn bằng mọi giá.

Minh Quang